Dùng giấy xét nghiệm đã chỉnh sửa để thông chốt, bị xử lý sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin mới nhất, ông Nguyễn Văn Chiệu (45 tuổi, ngụ thị xã Tân Uyên, Bình Dương) và ông Nguyễn Thọ Vĩnh Hưng (41 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đã được cơ quan y tế đưa đi cách ly tập trung tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Hai ông đã có hành vi dùng giấy xét nghiệm đã bị sửa ngày để thông chốt kiểm soát dịch.

Test nhanh tại chỗ, hai tài xế dương tính với COVID-19. Ảnh: CACC

Dùng giấy xét nghiệm đã qua chỉnh sửa để thông chốt

Ngày 18-9, tổ công tác tại chốt kiểm soát dịch bệnh cầu Phú Cường (nối Bình Dương - TP.HCM) kiểm tra xe tải do ông Chiệu lái, trên xe có chở theo ông Hưng. Nhận thấy giấy xét nghiệm âm tính của cả hai có dấu hiệu bị sửa nên tổ công tác đã yêu cầu làm rõ.

Ông Chiệu thừa nhận đã sửa ngày trên giấy test nhanh từ ngày 21-8-2021 thành ngày 17-9-2021 để qua chốt kiểm dịch. Sau đó, lực lượng chức năng đã yêu cầu lấy mẫu lại để test nhanh. Kết quả cho thấy cả hai đều dương tính với COVID-19.

Hai ông cho biết đi từ ấp Kiến An, xã An Điền, thị xã Bến Cát, Bình Dương để đến Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP.HCM lấy hàng là rau củ quả về Bình Dương giao.

Lực lượng tại chốt kiểm soát đã bàn giao vụ việc cho Công an phường Phú Cường (nơi đặt chốt kiểm soát) để tiếp tục xử lý.

Được biết, hiện Bình Dương vẫn là điểm nóng về COVID-19 với tỉ lệ ca mắc trên tổng dân số cao nhất nước. Người dân vẫn chưa được tự ý ra khỏi địa bàn tỉnh dù một số huyện thị đã trở thành vùng xanh và nới lỏng một phần quy định giãn cách.

Các tài xế giao hàng hóa thiết yếu được đi lại nhưng phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày.

Có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận định: ông Chiệu và ông Hưng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi vi phạm của hai ông.

Hành vi sửa phiếu xét nghiệm để thông chốt của ông  Chiệu và ông Hưng có thể coi là hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Hành vi vi phạm pháp luật này có thể bị xử phạt theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020 về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền với mức phạt 5-10 triệu đồng.

Ngoài ra, hai ông có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sửa giấy xét nghiệm để thông chốt kiểm dịch nếu hành vi này dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng theo Điều 240 BLHS 2015 về tội Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người.

Với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm, đồng thời có thể bị phạt bổ sung 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bên cạnh đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì hành vi làm giả, sử dụng giấy xét nghiệm giả mạo còn có thể bị xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm