Và sửa bảy thông tư của riêng Bộ Tài chính thì đã cắt giảm được 201,5 giờ…
Điều này cho thấy tính chất nặng về luật khung của hệ thống luật ở nước ta đang gây ra những hệ lụy không nhỏ - luật ra đời chưa thể “sống” độc lập mà phải phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản hướng dẫn. Điển hình là các luật thuế, đều hết sức ngắn gọn nên mỗi trang của luật muốn triển khai ra thực tiễn thì phải cần tới vài chục trang quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Có thể hình dung tổng thể như sau: 90% các vấn đề cơ bản đã được giải quyết trong các đạo luật. Tuy nhiên, 90% vấn đề vướng mắc thực tế thì thường lại nằm ở chỗ khác, trong các văn bản dưới luật và khâu triển khai thi hành luật. Cùng đó là chuyện luật thì vẫn giữ nguyên nhưng nghị định, thông tư hướng dẫn thì mỗi lúc một khác và thậm chí trái ngược nhau. “Rừng quy định đó” cộng với sự tung hỏa mù của cán bộ sẽ khiến doanh nghiệp (DN) sợ cán bộ, sợ thông tư hơn sợ luật.
Điều mệt mỏi hiện nay là có những quy định phiền hà, vô bổ, không cần thiết nhưng DN vẫn buộc phải thực hiện, dù chỉ là đối phó. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh vì tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc. Và đương nhiên điều đó ảnh hưởng cả gián tiếp và trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của DN. Vì cần nhớ cho rằng cứ thêm một thủ tục thì lại “ngốn” bớt cơ hội của DN, cứ thêm một quy định thì lại “phanh” bớt guồng máy của DN trong việc triển khai sản xuất, tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường.
Thực tế cho thấy các quy định kìm hãm, các thủ tục hành chính trói buộc trong những năm qua tăng mạnh. Giấy phép con, giấy phép cháu thì được chuyển thành giấy phép mẹ, giấy phép ông. Công cuộc cải cách thủ tục hành chính nói chung, thủ tục ngáng trở DN nói riêng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Chúng ta cũng đã tiến hành đổi thay, chỉnh sửa, bãi bỏ nhiều quy định nhưng kết cục, DN vẫn thấy bị o ép, nghẹt thở.
Vì vậy, điều cần nhất hiện nay là thay đổi về quan điểm phát triển thị trường, vai trò quản lý nhà nước và đặc biệt là cải tạo tư duy xây dựng pháp luật kinh doanh. Tất cả các lợi ích cục bộ (nếu có) cần phải nhường đường cho lợi ích chung cho sự phát triển của đất nước. Có như thế mới mong tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự hiện đại, phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của hội nhập.
Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Pháp chế DN - Bộ Tư pháp)