Tại TP.HCM, khi thực hiện một số dự án khu dân cư (KDC), chủ đầu tư không đầu tư cơ sở hạ tầng để cấp nước sạch theo quy định dẫn đến người dân phải dùng nước bẩn. Hoặc nếu có, chủ đầu tư cũng tự khoan giếng và xử lý nước, sau đó bán cho người dân với giá cao.
Sống chung với nước bẩn
Anh Trần Xuân Quang sống tại chung cư Nhất Lan 3, phường Tân Tạo A (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết từ lúc chủ đầu tư bàn giao nhà cho tới nay, nước sinh hoạt cho người dân ở đây không được đảm bảo. Lúc đầu vào ở, mọi người cứ nhầm tưởng nước đang dùng là nước sạch của TP cấp vì khi sử dụng nghe mùi clo đặc trưng. Nhưng được khoảng một tuần, họ mới phát hiện ra không phải nước máy mà là nước giếng do chủ đầu tư khoan, xử lý rồi bán cho người dân.
“Người dân chỉ sử dụng nước này để tắm rửa, giặt giũ chứ ngoài ra không sử dụng được trong ăn uống vì nó rất bẩn. Đặc biệt trẻ em khi tiếp xúc với loại nước này bị dị ứng, nổi mẩn đỏ làm cho nhiều nhà lo lắng. Bực mình hơn nữa là người dân vẫn phải đóng tiền nước hằng tháng nhưng lại phải mua nước bình để uống, nấu ăn…” - anh Quang kể.
Người dân trong khu dân cư Phi Long 5 phải xài nước giếng và xả phèn liên tục để có nước sinh hoạt. Ảnh: HTD
Các hộ dân rất bức xúc, họ nhiều lần khiếu nại lên chủ đầu tư và ban quản lý chung cư nhưng câu trả lời duy nhất nhận được là một mẩu giấy xác nhận mẫu nước hợp vệ sinh từ Viện Kiểm tra của Bộ Y tế.
Anh Nguyễn Tuấn Đỗ (người dân sống tại chung cư) nói thêm: “Sau khi người dân phản ánh, tình trạng nước ngày càng tồi tệ hơn. Nước bẩn, hôi, ngày càng yếu còn bên chủ đầu tư thì mập mờ”.
Ngoài chung cư Nhất Lan 3, hiện còn nhiều KDC như Phi Long 5, Phong Phú 5… vẫn chưa được chủ đầu tư đầu tư các cơ sở cấp nước theo quy định.
Bán giá nước cao
Tại KDC Phong Phú 4 (chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, BCCI), dự án thể hiện có hệ thống cung cấp nước cho người dân nhưng đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư lại tự khoan giếng, xử lý và bán cho người dân với giá 10.000 đồng/m3. Tương tự, KDC Trung Sơn chủ đầu tư cũng bán nước cho người dân với giá cao hơn giá nước TP quy định gấp nhiều lần.
Ông Trần Thanh Tài (KDC Trung Sơn) cho biết: “TP bán nước cho người dân với giá 4.000 đồng/m3 là nước sạch hẳn hoi, trong khi các chủ đầu tư tự khoan giếng, xử lý rồi bán cho dân với giá cao gấp hai lần mà chưa chắc gì nước đó đảm bảo hợp vệ sinh”.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn, cho biết trong các trường hợp này, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đầu tư, lắp đặt hệ thống cấp nước mới và đấu nối vào mạng lưới cấp nước do công ty quản lý. Toàn bộ kinh phí do chủ đầu tư thanh toán. Nếu chủ đầu tư không chịu hợp tác thì phía công ty cấp nước có muốn cấp nước cho người dân cũng đành bó tay.
“Để giải quyết nhu cầu dùng nước của người dân, công ty đưa ra hai phương án là chủ đầu tư phải gửi toàn bộ hồ sơ hoàn công và đấu nối hòa mạng vào hệ thống cấp nước của công ty. Phương án thứ hai là lắp đồng hồ tổng, chi phí lắp đặt đồng hồ do chủ đầu tư thanh toán nhưng để thực hiện được vấn đề này thì cần có sự hợp tác từ các chủ đầu tư” - ông Hiếu cho biết.
M.QUÝ - T.VI
Không thể để người dân thiếu nước sạch Hiện nay các chủ đầu tư thường đầu tư triển khai nhà ở trước rồi mới đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, khi dân cư vào ở đông thì đầu tư rất tốn kém nên chủ đầu tư không thực hiện nữa. Để xảy ra tình trạng này, UBND các quận cũng chịu một phần trách nhiệm vì không giám sát chặt chẽ trong quá trình chủ đầu tư thực hiện dự án. Cũng trong vấn đề này, tùy theo mục đích của từng KDC mà chủ đầu tư có hướng khai thác khác nhau. UBND các địa phương, công ty cấp nước và chủ đầu tư cần phải ngồi lại với nhau để tìm hướng cung cấp nước cho người dân. Đơn vị nào không thực hiện thì phải xử lý chứ không thể để người dân thiếu nước sạch được. Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách |