Ngày 19-12, tại TP Cần Thơ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).
Diễn đàn đặt mục tiêu thúc đẩy truyền thông và ứng dụng chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Chương trình này nhấn mạnh việc giảm chi phí đầu vào, giảm sử dụng hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Thống kê từ FAO cho thấy mỗi 1 USD đầu tư vào thuốc BVTV có thể mang lại giá trị kinh tế gấp 10 lần. Tại Việt Nam, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, việc sử dụng thuốc BVTV đúng quy định là biện pháp thiết yếu để bảo vệ mùa màng và an ninh lương thực quốc gia.
Cục Bảo vệ thực vật đặt mục tiêu đến năm 2030 ứng dụng IPHM trên diện rộng với 90% diện tích trồng lúa, nhãn, vải, thanh long và 70% diện tích cà phê, hồ tiêu, chè sẽ áp dụng IPHM.
Mục tiêu là giảm 30% lượng thuốc BVTV và phân bón hóa học, phát triển đội ngũ nông dân nòng cốt, mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Đồng thời tổ chức thu gom bao bì thuốc BVTV, đảm bảo trên 90% xã trồng các loại cây trên thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV đúng quy định.
Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả là một vấn đề cấp thiết. Diễn đàn là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và nông dân cùng thảo luận, tìm giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đặc biệt là vùng ĐBSCL.
Doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra
Trả lời thắc mắc về quy trình kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong gạo xuất khẩu, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, cho biết các chương trình quản lý hiện nay tập trung đào tạo nông dân về quản lý dịch hại, kỹ thuật canh tác, chọn giống, quản lý nước, phân bón và thuốc BVTV. Việc sử dụng thuốc BVTV luôn tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: Đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
Giai đoạn 2017-2018, gạo xuất khẩu sang EU và Mỹ gặp khó khăn do chứa dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép, nguyên nhân chủ yếu là người nông dân thiếu kiến thức trong canh tác.
Ông Thiệt khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần nghiên cứu kỹ lưỡng yêu cầu từng thị trường. Đồng thời, nên mang mẫu sản phẩm đến các trung tâm kiểm định để đối chiếu mức dư lượng thuốc BVTV và đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu.
Theo ông Thiệt, Bộ NN&PTNT hiện đang chỉ đạo triển khai các chương trình tiến bộ như đề án Một triệu ha lúa chất lượng cao và quy trình 3 giảm 3 tăng. Trước đây, dự án VnSAT cũng đã góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Những giải pháp này không chỉ giúp đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường quốc tế mà còn nâng cao giá trị gạo Việt Nam, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Cần Thơ đẩy mạnh ứng dụng IPHM trong sản xuất nông nghiệp
Ông Huỳnh Thanh Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết địa phương hiện có khoảng 114.000ha đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích chuyên canh lúa đạt 75.000ha
Cần Thơ đã tích cực triển khai chương trình IPHM thông qua các hoạt động tuyên truyền và đào tạo. Nổi bật là hội thi “Nông dân ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) giỏi năm 2024”, thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Theo ông Vui, IPHM là chương trình phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cần kiểm soát suy thoái đất và thích ứng biến đổi khí hậu. Các mô hình IPHM tại Cần Thơ tập trung vào việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và chú trọng sức khỏe của đất và nước.
Ứng dụng IPHM đã giúp nâng cao giá trị nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện nhận thức của nông dân về sức khỏe cây trồng. Hoạt động trồng trọt tại Cần Thơ đang chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Việc triển khai IPHM không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.