Dùng tiền nhận hối lộ, tiền lại quả để đi làm từ thiện có được xem là tình tiết giảm nhẹ?

(PLO)- "Dùng tiền hối lộ làm thiện nguyện" rất khó để được xem xét là tình tiết giảm nhẹ vì tiền này là do phạm tội mà có; số tiền này sẽ bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TAND huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Vũ Chí Hữu, 52 tuổi, cựu giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Bảo Lâm, 42 tháng tù về tội nhận hối lộ.

Bị cáo Hữu đã nhận hối lộ 120 triệu đồng để lo thủ tục tách thửa cho vài cá nhân. Đáng chú ý, bản án và cáo trạng của VKS xác định sau khi nhận hối lộ 120 triệu đồng thì khoảng 10 ngày sau, ông Hữu mang hết số tiền đưa cho trụ trì một ngôi chùa ở huyện Đạ Huoai để góp tiền xây 3 căn nhà tình thương.

Nhiều bạn đọc thắc mắc liệu "dùng tiền nhận hối lộ để đi làm từ thiện" có được xem là tình tiết giảm nhẹ để toà xem xét khi quyết định mức án hay không?

nhận hối lộ
Ông Vũ Chí Hữu bị phạt 42 tháng tù giam. Ảnh; VÕ TÙNG

Trao đổi với PLO, Luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu quan điểm rằng tình tiết "dùng tiền nhận hối lộ để đi làm từ thiện" sẽ không được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Luật sư Đức phân tích: khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định rất nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng không có trường hợp nào quy định về tình tiết làm từ thiện.

Mặc dù điểm v khoản 1 Điều 51 BLHS quy định tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác" nhưng hoạt động từ thiện chỉ là hoạt động xã hội nên không được xem là có thành tích trong công tác.

Khoản 2 Điều 51 BLHS quy định Tòa án có thể coi tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Điều này tạo điều kiện cho HĐXX xem xét các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, đối với trường hợp "dùng tiền hối lộ làm thiện nguyện" thì rất khó để được xem xét là tình tiết giảm nhẹ khi vì tiền này là do phạm tội mà có.

Cạnh đó, theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì số tiền nhận hối lộ là vật chứng của vụ án, sẽ bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm