Chị Trần Thị Ngọc Nhung (phường 3, TP Tân An, Long An) cho biết sau khi ly hôn, cuối năm 2012, chị nộp đơn ra tòa đề nghị được chia lô đất (do chồng cũ đứng tên) - là tài sản chung của hai vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Xử sơ thẩm, tòa bác yêu cầu nhưng sau đó tòa phúc thẩm chấp nhận cho chị được hưởng một phần lô đất nói trên.
Giữa năm 2014, chị yêu cầu thi hành án (THA). Sau khi xác minh, Chi cục THA dân sự TP Tân An thông báo cho chị biết người chồng cũ đã chuyển nhượng phần đất mà chị được hưởng. Chị thắc mắc mảnh đất hai vợ chồng đang tranh chấp thì làm sao người chồng cũ có thể làm thủ tục bán được nhưng cơ quan THA không trả lời...
“Sống bên nhà chồng gần 20 năm, tôi chỉ biết chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái, lo làm ăn. Nào ngờ gia đình xảy ra biến cố. Tôi rất đau lòng. Tôi chỉ mong được chia một phần tài sản chung của hai vợ chồng để ổn định cuộc sống sau này. Giờ cầm được bản án trong tay nhưng đất lại bị bán đi mất, tôi không biết phải làm sao” - chị Nhung nghẹn ngào nói.
Chị Nhung buồn bã khi được tòa chấp nhận yêu cầu chia đất nhưng giờ đất lại không còn. Ảnh: NH
Chúng tôi đem thắc mắc của bạn đọc trao đổi với UBND phường 7, TP Tân An, nơi có mảnh đất trên. Ông Lê Hoài Hận, Phó Chủ tịch UBND phường 7, thông tin đúng là phường có xác nhận tình trạng lô đất nói trên không có tranh chấp. Bởi lẽ trong suốt thời gian qua, phường không nhận được văn bản ngăn chặn nào từ các cơ quan chức năng mà cụ thể là tòa án.
Chúng tôi đặt vấn đề: Trước khi nộp đơn ra tòa đòi chia tài sản chung, chị Nhung đã yêu cầu phường hòa giải nhằm làm cơ sở khởi kiện và phường hòa giải không thành. Như vậy phường phải biết là tình trạng lô đất này ra sao. Sao phường không cẩn trọng khi xác nhận?
Tuy nhiên, ông Hận vẫn khẳng định: Việc xác nhận đất có tranh chấp chỉ được thực hiện khi phường nhận được công văn hay quyết định ngăn chặn từ tòa án.
Để tiếp tục tháo gỡ cho bạn đọc, chúng tôi đã liên hệ với Chi cục THA dân sự TP Tân An. Bà Nguyễn Thị Thuận - Chi cục trưởng cho biết: Khi đơn vị ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của chị Nhung thì mới phát hiện tài sản phải thi hành không còn nữa. Vừa qua, các ban ngành đã có cuộc họp để tìm phương án giải quyết. Tại cuộc họp có ba phương án được đưa ra: Thứ nhất, THA vận động, thuyết phục chồng cũ chị Nhung giao phần đất khác của ông tương đương giá trị đất theo bản án tòa tuyên cho chị. Thứ hai, nếu cơ quan THA không thuyết phục được thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giám đốc thẩm bản án vì tài sản đang tranh chấp đã chuyển nhượng. Cuối cùng, chị Nhung có thể khởi kiện hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của chồng cũ với người đã nhận chuyển nhượng.
Đang có lỗ hổng về sự phối hợp Theo quy định, khi giải quyết tranh chấp thì đương sự có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn việc chuyển nhượng đối với tài sản đang tranh chấp. Đây là quyền của đương sự, phải có yêu cầu thì tòa án mới xem xét để quyết định. Đối với chính quyền địa phương, khi có yêu cầu xác nhận tình trạng đất, luật không quy định bắt buộc phải hỏi ý kiến của tòa án. Chính quyền xác nhận dựa trên thực tế chính quyền biết được có tranh chấp hay không. Đối với những trường hợp cụ thể này, pháp luật hiện nay vẫn còn những khoảng trống có thể làm phát sinh những tranh chấp. Tòa thụ lý giải quyết việc tranh chấp nhưng luật không quy định tòa phải có nghĩa vụ thông báo cho chính quyền địa phương. Do đó, chính quyền địa phương vẫn có thể xác nhận tình trạng đất không tranh chấp để đương sự cho thuê, thế chấp hay chuyển nhượng khi không có văn bản ngăn chặn từ tòa... Để bảo vệ quyền lợi cho mình, chị Nhung có thể làm đơn khởi kiện ra tòa án yêu cầu hủy hợp đồng (giao dịch) mua bán của chồng cũ vì hợp đồng này làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chị. Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, |