Bà Vũ Thị Nhật (đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trước năm 2001, bà có hộ khẩu ở quận Bình Thạnh. Sau khi định cư ở nước ngoài, bà cắt hộ khẩu. Tuy nhiên, đến năm 2003, bà về nước, sống với con trai ở quận 2 và có đăng ký tạm trú tại đây. Năm 2011, bà về lại quận Bình Thạnh sinh sống đến nay. Trong quá trình đó, bà muốn đăng ký thường trú quận Bình Thạnh nhưng không được.
“Tôi đến cơ quan Công an quận Bình Thạnh đăng ký thường trú thì nơi này bảo chỉ giải quyết khi hộ chiếu còn hạn sử dụng. Tuy nhiên, hộ chiếu của tôi đã hết hạn mấy năm nay. Thấy thế, tôi đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TP.HCM xin hướng dẫn làm thủ tục cấp hộ chiếu mới để đăng ký thường trú nhưng cơ quan này cho biết phải về công an quận nơi đang sinh sống nhập hộ khẩu thì mới làm hộ chiếu được. Rút cuộc trong tình huống này, tôi cũng không thể làm hộ chiếu và cũng không thể đăng ký thường trú. Bây giờ tôi không biết phải làm sao” - bà Nhật than thở.
Người dân làm thủ tục đăng ký thường trú tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM. Ảnh: HTD
Bà Lý Hoa (đường Bình Thới, phường 14, quận 11) trước đây cũng gặp trường hợp tương tự. Sau khi định cư ở nước ngoài, bà về nước sinh sống và mong muốn được đăng ký thường trú tại địa phương. Tuy nhiên, do bận bịu công việc, mãi đến năm 2013 bà mới đến công an quận đăng ký trong khi hộ chiếu của bà đã hết hạn vào năm 2011. Trường hợp này bà cũng được Công an quận 11 trả lời không thể đăng ký được vì hộ chiếu hết hạn, đề nghị bà liên hệ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh TP.HCM để được giải quyết. Đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thì bà lại được phòng hướng dẫn về Công an quận 11 đăng ký thường trú…
Theo bà Lý Hoa, may mắn là sau khi chạy tới chạy lui, hồ sơ của bà được xem xét. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết là họ phải hỏi ý kiến Bộ Công an rồi mới xử lý chứ họ không thể tự ý làm được. Bà cũng thắc mắc không biết trong trường hợp này thì quy định cụ thể như thế nào để những người rơi vào trường hợp như bà căn cứ vào đó mà làm theo cho đỡ mất công sức, thời gian.
Giải đáp những thắc mắc trên, Thượng tá Cao Văn Đen, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM, cho biết: Đối với những công dân định cư ở nước ngoài khi về lại Việt Nam sinh sống và đăng ký thường trú lại thì điểm e khoản 2 Điều 6 Thông tư 52/2010 (của Bộ Công an) quy định: “Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng trở về Việt Nam thường trú khi đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam có dấu kiểm chứng nhập cảnh của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu”.
Như vậy, quy định của thông tư chỉ áp dụng với trường hợp hộ chiếu còn hạn sử dụng. Trên thực tế cũng có những trường hợp hộ chiếu hết hạn nhưng họ vẫn có mong muốn đăng ký thường trú. Trước vấn đề này, vừa qua Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM đã gửi công văn đến Bộ Công an xin ý kiến chỉ đạo. "Theo công văn phúc đáp thì Bộ Công an cho phép tất cả trường hợp hộ chiếu hết hạn sử dụng vẫn được giải quyết cho đăng ký thường trú nhưng người đăng ký thường trú phải viết giấy cam kết chưa đăng ký thường trú ở nơi khác" - ông Đen thông tin.
NGUYỄN HIỀN