Bạn cùng xưởng thấy mặt em tái mét thì lo lắng hỏi bên nhà có chuyện gì không? Ông hay bà ngoại bé Đào bị ốm à? Có thế nào thì cũng nhờ anh em họ hàng ở nhà chăm sóc cho, rồi gửi tiền về. Lao động ở Nhật thời gian chặt chẽ, trong hợp đồng không cho nghỉ phép đâu, về nước là mất việc luôn đó... Dù rất hận anh, nhưng tình thương trong lòng em cứ khắc khoải, sóng sánh...
Còn nhớ 14 năm trước, em đang học lớp 12, tuy học giỏi nhưng cũng ham vào tiệm nét để “chát chít” tìm bạn, nên cô gái Bắc ngây thơ như em đã quen anh, một chàng trai quê Đồng Nai. Tìm hiểu nhau mấy tháng, em liều lấy trộm tiền của mẹ, vào Nam thăm anh. Lúc đó em mới biết anh cũng chỉ 19 tuổi, đã nghỉ học và trông coi một tiệm tạp hóa cho mẹ.
Tình yêu sét đánh, chúng ta lao vào nhau như thiêu thân. Bố mẹ em lo mất ăn, mất ngủ, không biết con gái tự nhiên bỏ đi đâu. Tìm trong hóa đơn điện thoại xem những số lạ, phát hiện một số điện thoại có mã vùng Đồng Nai, đó là số điện thoại nhà anh, bố em vào Nam tìm con gái, vì ông vốn là bộ đội nhiều năm chiến đấu ở miền Đông Nam bộ.
Tìm thấy em đang phụ anh bán hàng, bố không la mắng gì, chỉ rớm nước mắt, khuyên: “Tuổi trẻ ai chẳng một lần dại dột. Thôi, vui chơi vậy được rồi, về học tiếp để thi tốt nghiệp con gái ơi”.
Hai mẹ con khi ở nhà...
Chúng mình đã thề hẹn, khi nào em học xong sẽ cưới nhau. Một năm sau, khi em tròn 18 tuổi, hai gia đình phải chiều theo ý nguyện của đôi trẻ. Nghề nghiệp không có, em theo anh vào Nam, phụ trông coi tiệm tạp hóa. Chưa tròn năm, mình có bé Đào. Bà ngoại còn trẻ, đang phải đi dạy, nhưng thương con gái nên xin nghỉ không lương để chăm cháu.
Những ngày này, bà nội và bà ngoại không hợp nhau về cách chăm sản phụ. Bà ngoại thì muốn con được tắm rửa thường xuyên, ăn thức ăn bổ dưỡng. Bà nội thì bắt con dâu ăn kiêng, nằm than, hạn chế tắm… Hai bà lời qua tiếng lại, bà ngoại tự ái bỏ về Bắc. Sau này em cũng khổ sở với mẹ chồng vì không biết nấu các món ăn miền Nam. “Món gì nó nấu cũng mặn đắng, không bỏ đường làm sao ăn?”.
Anh thương em nhưng sợ mẹ, bèn đưa vợ con ra Bắc nương nhờ ông bà ngoại. Rất may là chúng mình được bên ngoại đầu tư học nghề. Anh học lái xe, em thi vào trường công đoàn. Cuộc sống vợ chồng như hồi sinh, khi anh xin được vào lái xe cho công ty hóa chất, em được nhận vào làm cán bộ công đoàn một cơ quan thành phố.
Nhưng từ đó, những bất hạnh kéo đến làm rạn nứt hạnh phúc gia đình. Anh quay ra ăn nhậu, quậy phá. Bố vợ khuyên nhủ thì “…suýt phải đấm”. Lấy cớ “chó chui gầm chạn”, anh ra ngoài thuê nhà ở, bắt cả vợ đi theo, em không đồng ý thì anh đưa gái về nhà trọ, sống như vợ chồng. Có ít nhất ba cuộc đánh ghen, nhưng do chồng bênh đối thủ nên lần nào em cũng ôm đầu về khóc với mẹ.
Em đã điện thoại nhờ mẹ chồng can thiệp, không ngờ lại bị sỉ nhục: “Loại gái hư như mày, nó bỏ là đúng thôi. Từ hồi mày bỏ học vô đây nằm vạ nhà tao, tao đã biết rồi”. Tự ái, em làm đơn ly hôn. Hôm ra tòa, cả hai chẳng thèm nhìn mặt nhau. Anh bỏ về Nam với gia đình. Kết thúc một cuộc tình.
...và cô đơn một mình ở Nhật
Đồng lương ít ỏi, em không đủ nuôi con và lo mấy khoản nợ của hai vợ chồng. Đầu năm nay, em đi học tiếng Nhật rồi xin đi xuất khẩu lao động. Công việc tuy vất vả, phải làm từ 8g đến 20g, nhưng lương cao, gửi được tiền về cho bà ngoại bé Đào trang trải nợ và nuôi con, trong khi anh bặt vô âm tín, không gửi cho con được một ngàn mua kẹo. Giờ đây, nói đến tình yêu là em sợ, chẳng khác nào “con chim thấy cành cây cong”. Em mất niềm tin vào tình yêu, đầy mặc cảm với đàn ông.
Biết nguyện vọng của anh, em suy nghĩ nhiều. Tình nghĩa xưa, chưa hẳn em quên, vừa thương vừa hận anh nhưng không thể theo nguyện vọng “gặp mặt lần cuối” của anh được. Anh đã đánh mất tình yêu của em rồi, giờ bỏ về nước gặp anh, em lại đi theo vết xe đổ ngày xưa, tự đánh mất sự nghiệp của mình vì tình yêu mù quáng. Em gửi về cho anh một ít tiền để lo thuốc thang. Còn em, đã không thể quay lại nhà xưa lối cũ nữa rồi...
Theo Phương Quý (Báo Phụ nữ)