Hoạt động này do Sở GD&ĐT TP và báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức thường niên và đây cũng là chương trình khởi đầu cho năm học 2017-2018 này với sự có mặt của nhiều chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh đến từ nhiều trường ĐH, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP.
Dự kiến chương trình sẽ diễn ra tại hơn 70 trường THPT ở TP và hơn 100 trường ở các tỉnh, thành lân cận nhằm tư vấn hướng học, hướng chọn ngành nghề phù hợp cho các em.
Trong sáng 3-10, các HS đã đặt rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc chọn ngành nghề như làm sao để chọn ngành phù hợp, chọn trường nào để học tốt nhất, các yêu cầu đòi hỏi của từng ngành là gì...
Học sinh đặt câu hỏi tại buổi tư vấn hướng nghiệp.
Tuy nhiên, qua các câu hỏi của các em cho thấy các em còn thiếu rất nhiều thông tin. Nhiều em đã học lớp 12 nhưng chưa biết chọn ngành nghề thế nào để định hướng việc thi cử cuối cấp. Có em còn đặt những câu hỏi, thắc mắc rất thú vị nhưng cũng rất căn bản như muốn học quản trị kinh doanh thì cần kỹ năng gì, muốn làm gì để trở thành hướng dẫn viên du lịch, nên chọn học y dược ở trường nào...
Cụ thể như một em ở khối lớp 10 thắc mắc: “Ứơc mơ của em là muốn mở một tiệm Internet, vậy em phải bắt đầu từ đâu, học những gì và đầu tư như thế nào để làm được?”.
Với câu này, các chuyên gia tư vấn cho rằng: “Đây là ước mơ tuy không lớn nhưng rất thực tế và thiên về hướng kinh doanh nhiều hơn. Nếu em muốn mở tiệm Internet thì em cần có số vốn nhất định, tùy theo quy mô của tiệm để đầu tư nhưng giá với một máy tính để được lập trình tốt để lướt net và chơi game thì dưới 20 triệu đồng. Ngoài ra, em nên có kiến thức về lĩnh vực công nghệ thông tin để có thể lập trình, tối ưu hóa phần cứng, phần mềm hoặc phát triển thêm các phần mềm để thu hút nhiều khách hàng hơn cũng như giúp khách hàng truy cập tốt hơn”.
Các em chăm chú lắng nghe các chuyên gia tư vấn.
Tương tự, em Anh Kiệt, HS lớp 10, đặt câu hỏi: "Em muốn làm MC thì cần phải có và học những gì?”.
Trả lời câu hỏi này, TS tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên miền Nam - Phân viện phía Nam, phân tích: “Muốn trở thành MC dẫn chương trình thì yếu tố năng khiếu là yếu tố chính cần có, từ ăn nói hoạt bát và có duyên, tự tin, năng động. Thứ hai là kiến thức, vừa là kiến thức tự trang bị và kiến thức được đào tạo từ các ngành như báo chí, quan hệ công chúng... Ngoài ra còn có thể có các yếu tố phụ khác như ngoại hình, giọng nói...”.
Tuy nhiên, theo TS Long, HS cần cân nhắc kỹ trước khi chọn ngành nghề, phải làm sao cân bằng được cả ba yếu tố chi phối từ gia đình, xã hội và bản thân để chọn nghề phù hợp nhất chứ đừng lệ thuộc hoàn toàn quyết định của bản thân hoặc gia đình. Và ngành nghề đó cũng phải đáp ứng cả ba yếu tố về sở thích, năng lực và nhu cầu mới chọn được nghề phù hợp.
“Khi có băn khoăn, HS nên xác định chọn nghề mình muốn trước rồi đến chọn ngành học, sau đó mới mới đến chọn trường để học. Ví dụ như muốn đi dạy là nghề giáo viên, tiếp đó là chọn ngành học là sư phạm tiếng Anh hay toán gì đó, rồi mới chọn trường để phù hợp với địa lý đi lại, học phí, chất lượng đào tạo... Có xác định rõ ràng từng bước thì các em mới đi đúng hướng của bản thân được” - TS Long lưu ý.
Mỗi năm TP.HCM cần 270.000-300.000 nhân lực Cũng sáng cùng ngày, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết giai đoạn 2017-2020 và xu hướng đến năm 2025, nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm trên địa bàn TP.HCM cần là 270.000-300.000 nhân lực thuộc tám nhóm ngành nghề. Trong đó, ngành công nghệ-kỹ thuật chiếm tới 35% nhu cầu nhân lực. Ông Tuấn lưu ý các em không nên chạy theo những ngành "hot" mà phải xác lập mục tiêu, ước mơ, sở thích, đam mê của mình mới có thể chọn ngành nghề phù hợp và thành công. "Mỗi ngành có đặc thù riêng, chúng ta thừa nhân lực rất nhiều nhưng thiếu cũng rất nhiều, thừa những con người không phù hợp và thiếu những người chất lượng. Vì thế, các em phải vừa học giỏi chuyên môn, vừa rèn kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm làm việc, năng động sáng tạo, phải có ngoại ngữ, tác phong... mới có thể thành công ở thời đại này” - ông Tuấn nhấn mạnh. |