Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP.HCM dần khép cửa...

Bệnh viện Hồi sức COVID-19 ở TP.HCM dần khép cửa...

(PLO)- “Vì sức khỏe của người dân TP, chúng ta đã cùng nắm tay, vượt qua những thời khắc khó khăn nhất để hôm nay TP.HCM có một diện mạo mới”.
Hôm nay (16-2), Sở Y tế TP.HCM tổ chức buổi họp triển khai kế hoạch hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở 2 Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM (TP Thủ Đức). Điều này đồng nghĩa BV Hồi sức COVID-19 đặt tại cơ sở 2 BV Ung bướu TP.HCM sắp hoàn thành sứ mệnh.

Nhân dịp này, Pháp Luật TP.HCM có buổi trò chuyện với TS-BS Nguyễn Tri Thức, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM, những vấn đề trong thời gian BV Hồi sức COVID-19 hoạt động

. Ngày 9-2-2022, BV Hồi sức COVID-19 đã có Công văn gửi Sở y tế TP.HCM về việc tạm thời giảm nhân lực hỗ trợ BV, phù hợp với tình hình bệnh nhân. Điều này có nghĩa BV đang dần khép cửa vì sắp hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”, tâm trạng ông lúc này như thế nào?

+ Những ngày qua, số bệnh nhân COVID-19 nặng tại BV Hồi sức COVID-19 giảm rất nhiều. Lúc cao điểm, BV có gần 900 ca bệnh nặng,hồi sức cấp cứu, hiện chỉ còn vài ca.

BV không thể duy trì cả một bộ máy hơn 700 nhân viên y tế để chăm sóc một lượng bệnh nhân quá  ít. Hình thức này không còn phù hợp nữa. Vì vậy, BV Hồi sức COVID-19 gửi văn bản cho Sở Y tế và lãnh đạo TP.HCM kế hoạch dự kiến giảm nhân lực phù hợp với tình hình bệnh nhân.

Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo, BV tập trung bệnh nhân về 1 khoa (ICU2A). Giảm dần nhân lực sao cho nhân lực còn lại đủ phục vụ bệnh nhân đang điều trị. Bên cạnh đó, khối lâm sàng do nhân lực của BV Ung bướu, BV Nhân dân 115 và BV Chợ Rẫy đảm trách. Nhân lực của các BV khác tạm thời ngưng tham gia cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM.

Riêng khối hành chính và cận lâm sàng, BV Hồi sức COVID-19 cũng giảm nhân lực phù hợp với tình hình bệnh nhân và đảm bảo hoạt động cơ bản của dơn vị.

Kế hoạch dự kiến thực hiện từ ngày 14-2. Tuy nhiên, các đơn vị được giảm nhân lực có trách nhiệm cam kết điều động nhân lực trở lại khi bệnh nhân COVID-18 nặng gia tăng.

Thời gian sau Tết khoảng 2-3 tuần, chúng ta dự báo lượng bệnh nhân COVID sẽ tăng cao kéo theo số bệnh nhân nặng nhập viện cũng sẽ tăng nhưng không nhiều. Khi chúng ta đã qua đỉnh dịch theo số liệu dịch tể, nếu tình hình tiếp tục ổn định, bệnh nhân nặng không nhiều thì việc hoàn thành sứ mệnh của BV Hồi sức COVID-19 là chắc chắn, có thể đóng cửa hoàn toàn.

Điều này vừa mang lại hiệu quả trong sử dụng nhân lực, tài lực, vừa hiệu quả trong chăm sóc người bệnh. Khi đó, có thể nói TP.HCM đã chiến thắng hoàn toàn dịch bệnh COVID-19. Đây là dấu son ghi đậm tinh thần chiến đấu, tinh thần đoàn kết của tất cả người con TP.HCM và các tỉnh, TP đã hỗ trợ TP.HCM chống dịch, để hôm nay, TP.HCM được quay lại với nhịp sống bình thường mới.

Điều gì đọng lại trong ông suốt thời gian BV Hồi sức COVID-19 hoạt động?

Đó là tình ĐOÀN KẾT của tất cả lực lượng chống dịch!

BV Hồi sức COVID-19 có tới 74 đoàn công tác của các tỉnh, TP tham gia trong giai đoạn cao điểm. Nếu không có tình đoàn kết, không thể phối hợp làm việc, dẫn tới hiệu quả công việc không đạt như mong muốn.

Thêm một điều đọng lại trong tôi là sự HY SINH của tất cả lực lượng tham gia công tác tại BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM. Đặc biệt nhân viên y tế, những người trực tiếp điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng.

Sự hy sinh của nhân viên y tế được thể hiện rõ nét khi ký giấy tình nguyện ở lại BV để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng trong những ngày Tết Nguyên đán 2022.

Điều đọng lại kế tiếp trong tôi là sự hỗ trợ hết mình của mạnh thường quân, doanh nghiệp, kiều bào… Họ đóng góp vật chất, trang thiết bị y tế, thực phẩm… để tiếp sức cho hoạt động của BV. Trong thời điểm giãn cách xã hội, một tô phở tìm mua không ra. Tuy nhiên từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nhân viên y tế sau ca trực mệt mỏi được thưởng thức tô phở nóng hổi, thơm lừng. Điều này tiếp thêm sức cho nhân viên y tế để  lao vào công việc giữa muôn vàn khó khăn.  

Thêm một yếu tố nữa, rất quan trọng, đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế… trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, có cả sự chỉ đạo sát sao, cụ thể và đi vào từng chi tiết một của Thành ủy và UBND TP.HCM trong công tác chống dịch trên địa bàn TP. Nếu không có sự chỉ đạo sáng suốt từ các cấp nói trên, các lực lượng tham gia chống dịch rất khó phối hợp ăn ý, không thể đi chung con đường đã vạch ra.

. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, BV Chợ Rẫy đang gánh trọng trách điều trị bệnh nhân COVID nặng, thêm việc chuẩn bị tham gia kỳ họp Quốc hội đầu tiên mà ông vừa trúng cử, nhưng ông đã mạnh dạn nhận chức giám đốc BV Hồi sức COVID-19 vừa mới thành lập được hai ngày?

+ Tôi được Bộ Y tế giao lãnh đạo BV Chợ Rẫy. Khi dịch COVID-19 ở đỉnh điểm, BV Chợ Rẫy tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân, các tỉnh cũng chuyển về đây. Cùng lúc, BV Chợ Rẫy vừa điều trị bệnh lý thông thường cho khu vực phía Nam, vừa điều trị COVID-19.

Giữa tháng 7-2021, khi đang họp giao ban BV, tôi nhận được điện thoại của một lãnh đạo TP.HCM. Vị này hỏi BV Chợ Rẫy có thể hỗ trợ phụ trách BV Hồi sức COVID-19 hay không? Cá nhân tôi có thể làm giám đốc BV Hồi sức COVID-19 hay không?

Tôi hơi bất ngờ và lo lắng. Lo BV Chợ Rẫy có đảm đương nỗi BV Hồi sức COVID-19 không? Lo tôi có đủ sức để hoàn thành vai trò giám đốc BV Hồi sức COVID-19 không? Còn phải hỏi ý kiến Bộ Y tế bởi BV Chợ Rẫy do bộ này quản lý.

Thực tình tôi không sợ khổ, cũng chẳng sợ khó. Tôi muốn có sự chuẩn bị kỹ càng để khi nhận nhiệm vụ của một giám đốc BV Hồi sức COVID-19 thì phải thành công. Tôi xin vị lãnh đạo TP.HCM cho suy nghĩ 15 phút trước khi đưa ra câu trả lời.

Tôi hội ý nhanh với lãnh đạo khoa, phòng BV Chợ Rẫy tại cuộc họp. Chỉ trong vòng 5 phút, tất cả đều thống nhất cao, đồng lòng, “chia lửa” với BV Hồi sức, cũng với lãnh đạo TP chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tiếp theo, tôi điện thoại xin ý kiến và được Bộ Y tế đồng ý. Sau đó, tôi gọi điện thoại lại cho vị lãnh đạo TP.HCM. Lúc đó khoảng 11h30 trưa gần 12 giờ. Nhận lệnh xong, 1 giờ chiều chúng tôi lên đường đến BV Hồi sức tiếp nhận công việc ngay.

Chăm sóc sức khỏe cho dân là nhiệm vụ của người thầy thuốc, trong đó có tôi. Được lãnh đạo TP.HCM tin tưởng, giao lãnh đạo BV Hồi sức COVID-19 để điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng. Do vậy, tôi mạnh dạn nhận nhiệm vụ giám đốc BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM

Trong thời gian BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM hoạt động, điều gì khiến ông trăn trở nhất?

Thực tình mà nói, cường độ dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM tăng quá nhanh khiến tôi trăn trở suốt 2 tuần đầu tính từ ngày BV Hồi sức COVID-19 thành lập (14-7-2021).

Khi BV được thành lập, TP.HCM bắt đầu bước vào đỉnh dịch. Với việc xác định với tốc độc dịch tăng quá nhanh, chỉ trong hai tuần thôi, phải gấp rút hoàn thành mọi công việc, với tổng cộng 1.000 giường hồi sức phải hoàn thành.

Đây thực sự là khối lượng công việc “khổng, khổng lồ” vì dùng từ “khổng lồ” thôi chưa đủ. Anh em xác định trong hai tuần đầu, nếu không trụ được xem như thất bại. Bởi không thể cho hơn thời gian được. Một khi đã thất bại thì hậu quả để lại liên quan đến điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 khó lường.

Thật may mắn, được sự hỗ trợ và chung sức từ nhiều nguồn, lãnh đạo TP tạo mọi điều kiện, mở hết các cơ chế mua sắm thêm trang thiết bị cộng với số thiết bị đưa từ BV Chợ Rẫy qua đã giúp BV Hồi sức COVID-19 TP.HCM hoàn thành và đi vào hoạt động đúng thời điểm dịch bước vào đỉnh điểm. Tính đến nay, BV đã điều trị hơn 5.000 bệnh nhân nặng nguy kịch.

Tuy nhiên, điều tôi rất tiếc và cảm thấy chưa hài lòng với mình là tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong tại BV Hồi sức COVID-19 lúc cao điểm tương đối cao, khoảng 30%. Mặc dù so với một số nước khác, con số đó ở mức trung bình. Tôi mong muốn là làm được điều gì đó để không có trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào tử vong là càng tốt…

 
 

TP.HCM đề xuất tạm ngưng các bệnh viện dã chiến

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã giảm dưới 1.000 ca/ngày, số ca bệnh nặng và tử vong cũng liên tục giảm thấp, Sở Y tế TP.HCM đã trình UBND TP việc sắp xếp lại hoạt động của các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.

Theo Sở Y tế, việc tạm ngưng hoạt động bệnh viện dã chiến sẽ tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình diễn biến phức tạp.

Cụ thể, sẽ tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và TP Thủ Đức; tiếp tục duy trì các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (Khu chế xuất Linh Trung và Khu công nghệ cao TP.HCM).

Các bệnh viện đang chuyển đổi công năng hoặc tách đôi điều trị sẽ sắp xếp lại gồm: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, An Bình, huyện Củ Chi, Nhi đồng TP, điều trị COVID-19 Lê Minh Xuân để phục hồi lại công năng và thành lập khoa/đơn vị COVID-19.

Song song đó, ngưng hoạt động Trung tâm hồi sức COVID-19 để chuẩn bị đưa Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh mắc các bệnh lý ung bướu. Đồng thời tạm ngưng hoạt động một số bệnh viện dã chiến COVID-19 số 6, 8 và 12.

Đối với các bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16 sẽ tiếp tục hoạt động. Riêng Bệnh viện dã chiến số 14 và 16 có trung tâm hồi sức với quy mô 600 giường hồi sức. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Chợ Rẫy cũng duy trì 200 giường hồi sức/bệnh viện. Như vậy TP luôn sẵn sàng 1.000 giường hồi sức.

Khi cần thiết (số ca mắc mới tăng trở lại hoặc nhu cầu điều trị gia tăng), trong vòng 24 giờ sẽ kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện điều trị COVID-19 tạm ngưng hoạt động.

Đọc thêm