Đề xuất giải thể BV hồi sức COVID-19 tại TP Thủ Đức​

Chiều 10-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Số ca mắc mới sẽ tăng nhưng số ca tử vong có thể giảm

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho rằng kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, tết Nguyên đán năm nay, người dân trên địa bàn TP.HCM được hưởng cái tết trọn vẹn nhờ những chỉ đạo quyết liệt từ các lãnh đạo TP.HCM, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các sở, ngành và đặc biệt là ý thức tuân thủ của người dân.

Y bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân tại BV hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức).
Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong 24 giờ qua, TP.HCM ghi nhận thêm 220 trường hợp mắc COVID-19. Ngành y tế TP.HCM đang điều trị 618 bệnh nhân, trong đó 35 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi, 88 bệnh nhân cần thở máy và 13 người cần can thiệp ECMO.

Trong ngày 9-2, TP.HCM có 97 bệnh nhân COVID-19 nhập viện, 39 người xuất viện, bốn người tử vong.

Đến nay, TP đã tiêm hơn 8,1 triệu mũi 1 vaccine phòng COVID-19, hơn 7,2 triệu người được tiêm mũi 2; đã tiêm hơn 661.000 mũi bổ sung và hơn 3,9 triệu mũi nhắc lại. 

Phân tích các số liệu, bà Mai cho biết: Qua biểu đồ theo dõi của ngành y, trước tết, số ca mắc mới ở ba con số. Tuy nhiên, từ mùng 4 đến mùng 7 tết, số ca mắc mới dừng lại ở hai con số, đặc biệt trong ngày 5-2, TP.HCM còn 24 ca nhiễm mới. Nhưng có sự gia tăng nhẹ những ngày gần đây. “Đến ngày 9-2, TP.HCM ghi nhận 242 ca mắc COVID-19 mới” - bà Mai nói và dự báo những ngày tới, số ca mắc COVID-19 mới ở TP.HCM sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên số ca nặng, cần thở máy và ca tử vong có thể giảm đi do được điều trị tốt.

Trước nguy cơ gia tăng số ca mắc COVID-19 sau dịp nghỉ tết Nguyên đán, bà Mai cho biết Sở Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường vận động người dân thực hiện tốt biện pháp 5K, đặc biệt người đủ điều kiện cần tiêm đầy đủ mũi vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo.

Ngành y tế TP.HCM cũng phối hợp với ngành giáo dục lập danh sách trẻ 5-11 tuổi nhằm sẵn sàng các quy trình, kế hoạch để tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn, chỉ đạo. Sở Y tế TP.HCM cũng tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ với danh sách được mở rộng đối với người trên 50 tuổi.

Về việc sắp xếp bệnh viện (BV), bà Mai cho biết sở đã có văn bản trình UBND TP để tham mưu kế hoạch chuyển đổi công năng, duy trì hoạt động BV dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị và trung tâm hồi sức COVID-19. Trong đó, dự kiến BV hồi sức COVID-19 đặt tại BV Ung bướu Cơ sở 2 (TP Thủ Đức) sẽ giải thể, hoàn thành sứ mệnh.

Lý giải về đề xuất này, bà Mai cho biết hiện tại BV Ung bướu Cơ sở 2 đã đến lúc hoạt động lại để đảm bảo chăm sóc sức khỏe người bệnh. Trong khi đó, hiện số bệnh nhân ở BV hồi sức COVID-19 giảm dần và tiến tới bằng 0. “Lãnh đạo BV Chợ Rẫy cũng đề xuất hoàn thành sứ mệnh đối với BV này” - bà Mai nói và cho biết thêm nếu người bệnh COVID-19 nhẹ còn điều trị tại BV này sẽ được chuyển đến một trong hai trung tâm hồi sức COVID-19 đặt tại BV dã chiến ba tầng.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ đóng cửa ba BV dã chiến số 6, 8 và 12, những cơ sở được trưng dụng từ các tòa nhà khu tái định cư Thủ Thiêm. Trong đó, BV dã chiến số 12 là nơi dành riêng điều trị ca nhiễm biến chủng mới Omicron. Đến nay, TP.HCM có 92 ca mắc Omicron và chưa có người nào tử vong trong số này.

Chỉ thiếu giáo viên mầm non cục bộ ở trường ngoài công lập

Trả lời các câu hỏi về việc chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết sau thời gian khởi động dạy học trực tiếp lớp 9 và lớp 12, sau đó mở rộng đến lớp 7, đến nay việc học trực tiếp đã đi vào ổn định và không gián đoạn, không có gì phức tạp xảy ra.

Với bậc tiểu học và học sinh lớp 6, ông Trọng cho biết các cơ sở giáo dục đang chuẩn bị rốt ráo công đoạn cuối để ngày 14-2 đón học sinh trở lại trường. Những cơ sở giáo dục từng được trưng dụng làm nơi phòng chống dịch đều đã có thể mở cửa, đón học sinh vào ngày này. Từ ngày 1-3, tùy theo điều kiện và cấp độ dịch ở từng địa phương, ngành giáo dục sẽ mở rộng cho đối tượng trẻ em khác đến trường.

Về việc thiếu giáo viên mầm non, ông Trọng cho biết trước tết có tình trạng này ở trường ngoài công lập do người lao động về quê sau dịch. Tuy nhiên, với số phụ huynh đăng ký cho trẻ đến trường từ ngày 14-2 thì cơ sở giáo dục hoàn toàn đáp ứng được, đồng thời các cơ sở cũng đã có kế hoạch mời giáo viên cũ trở lại TP.HCM dạy học. Còn cơ sở giáo dục mầm non công lập đều đảm bảo 100% trẻ đến trường được chăm lo.

Theo ông Trọng, số phụ huynh học sinh đồng thuận và đăng ký cho trẻ đến trường từ ngày 14-2 ở khối tiểu học là 80%-85%, khối mầm non là 60%-80%.

TP.HCM cần khoảng 30.000 lao động sau tết Nguyên đán

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết đến nay tỉ lệ người lao động quay lại làm việc sau tết trên địa bàn chiếm 96%, tương đương hơn 1,9 triệu người. Khu chế xuất, khu công nghiệp là 262.000/273.000 người, Khu công nghệ cao là 49.700/51.767 người. Còn với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp thì hơn 1,6 triệu người đã quay lại làm việc.

Sở LĐ-TB&XH dự báo sau ngày 13-2, người lao động quay lại TP.HCM làm việc tương đối đầy đủ. Dự kiến nhu cầu lao động sau tết tại TP.HCM khoảng 30.000 người. Theo thống kê của hệ thống dịch vụ việc làm, các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, dệt may, da giày, lương thực thực phẩm…

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết sau tết Nguyên đán, liên đoàn ghi nhận hơn 1.000 công nhân mắc COVID-19 khi quay lại làm việc. “Đây đều là các trường hợp nhẹ, không nguy hiểm. Tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3 đạt trên 86%, riêng khu công nghiệp đạt trên 96%” - ông Trung nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm