Nằm ở độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển, Ga hỏa xa Đà Lạt là nhà ga có độ cao cao nhất Việt Nam. Ngoài ga Hải Phòng, thì ga Đà Lạt là nhà ga cổ kính nhất còn lại ở Việt Nam.
Được xây dựng vào năm 1932 và hoàn thành vào năm 1936, ga Đà Lạt do hai kiến trúc sư Moncet và Revéron thiết kế. Đơn vị thi công là nhà thầu Võ Đình Dung; kinh phí xây dựng là 200.000 france.
Trước đây, khi xây dựng nhà ga xe lửa, thường người ta chỉ chú trọng về mặt kỹ thuật xây dựng mà thôi. Riêng ga Đà Lạt là trường hợp đầu tiên người ta đã đưa cả yếu tố mỹ thuật kiến trúc và ý nghĩa của công trình vào việc xây một công trình có tính kỹ thuật.
Nhà ga mô phỏng hình ảnh dãy núi LangBiang hùng vĩ, tòa nhà chính với 3 vòm mái nhô cao như 3 đỉnh núi. Sự tài tình của các kiến trúc sư là một mặt họ giữ được nét đặc trưng của Đà Lạt, mặt khác lại đưa nét kiến trúc độc đáo của Pháp vào thông qua những mái vòm…
Ga Đà Lạt. (Nguồn: w3.lamdong.gov.vn)
Để tạo thành một tổng thể kiến trúc hài hòa và độc đáo, hai ông đã chọn vị trí xây dựng nhà ga Đà Lạt bên cạnh trường Trung học Yersin. Nằm trên sườn đồi dài bằng phẳng, nhà ga có chiều dài 66m, rộng 11,5m, cao 11m. mặt đứng nhà ga tượng trưng cho mùa hè, chiếc đồng hồ đặt trên đỉnh mặt tiền nhà ga nhắc du khách nhớ lại thời gian mà vị bác sĩ mang tâm hồn lãng tử Yersin đặt bước chân đầu tiên chinh phục cao nguyên LangBiang: 15giờ 30 phút ngày 21-6-1936.
Đây là công trình được xếp vào loại có quy mô lớn, có kiến trúc đẹp và độc đáo của Thành phố Đà Lạt và của cả nước. Công trình từng được đánh giá không những là nhà ga đẹp nhất ở Đông Dương mà còn cả của Pháp.
Ga hỏa xa Đà Lạt chịu nhiều ảnh hưởng của kiểu kiến trúc hiện đại. Mặt bằng được tổ chức theo nguyên tắc gần như đối xứng qua một trục vuông góc với mặt tiền. Một phòng lớn ở giữa và các phòng phụ nhỏ nối dài sang hai bên. Bố cục đăng đối thể hiện giữa các bộ phận kiến trúc: ở mái ngói đỏ cao vút, những phần mái gấp, mái bẻ góc và ở những ô cửa sổ cùng với bức tường xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa. Sự đồ sộ của công trình còn thể hiện rõ trên mặt cắt qua hệ kèo đỡ mái bằng bê tông cốt thép có chiều cao hơn 6 mét, bằng với chiều cao của không gian sử dụng chính.
Nhưng ấn tượng nhất vẫn là toàn bộ khối mái của công trình. Đập ngay vào mắt người thưởng thức là 3 chóp mái tiếp nối liền nhau chạy suốt từ đỉnh xuống bờ mái đón ở lối vào sảnh chính. Phía dưới của chóp mái có gắn dòng chữ nổi Đà Lạt khá lớn. Vuông góc với 3 mái theo chiều ngang của công trình là 2 mái dọc chạy về 2 phía và bẻ góc ở phần rìa mái. Tương ứng với 3 chóp mái là 3 cửa số với nhiều ô kính nhỏ, tạo nên sự khoáng đạt cho mặt tiền và cho cả tòa nhà.
Không gian nội thất được chiếu sáng lung linh bởi các ô cửa kính nhiều màu ở phần chân mái. Đây chính là phòng chờ cho hành khách, một không gian rộng lớn với các góc cạnh và đường nét ngay hàng thẳng lối, cao lớn, uy nghi mà cũng thật giản dị. Tất cả các chi tiết đều toát lên vẻ hoàn mỹ của tổng thể công trình. Toàn bộ khối nhà tạo cho ta sự liên tưởng tới những đỉnh núi nhấp nhô của vùng đất cao nguyên.
Ga hỏa xa Đà Lạt còn có một “báu vật” cổ là chiếc đầu máy hơi nước chạy bằng than củi, do Nhật Bản sản xuất năm 1936.
Nhà hỏa xa Đà Lạt nằm trong dự án tuyến đường sắt từ Tháp Chàm đi Đà Lạt do toàn quyền Paul Doumer phê duyệt và khởi công xây dựng từ năm 1908.
Tuyến đường sắt của Ga hỏa xa Đà Lạt dài 84km, trong đó xuyên qua 5 hầm rất dốc nên phải sử dụng hệ thống đường ray răng cưa dài 16km. Tuyến đường răng cưa này trở nên độc đáo nhất Việt Nam và của cả thế giới. Mỗi ngày có 3 đội tàu: Tháp Chàm-Đà Lạt-Nha Trang; Tháp Chàm-Đà Lạt; Sài Gòn-Tháp Chàm-Đà Lạt đều đều lăn bánh.
Năm 2002, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận Ga hỏa xa Đà Lạt là khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đây cũng là nhà ga xe lửa duy nhất trong cả nước được công nhận danh hiệu này.
Sau khi người Pháp rời Việt Nam, việc chạy tàu từ Đà Lạt đi Tháp Cháp vẫn được duy trì. Đến thời Mỹ chiếm đóng, tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ việc vận chuyển thiết bị cho chiến tranh nên đã bị quân giải phóng cắt đứt và nhà ga ngừng hoạt động cho đến ngày giải phóng; tuyến đường sắt được khôi phục và chính thức kéo còi trở lại vào tháng 5 năm 1975.
Tuy nhiên, sau năm 1975, Ga hỏa xa Đà Lạt dường như bị lãng quên do việc vận chuyển khách đến Đà Lạt hầu hết bằng ô tô. Nhà ga chỉ được đánh thức ở cuối thập kỷ 90, khi Công ty Du lịch Lâm Đồng đưa nhà ga vào danh sách khai thác du lịch của thành phố.
Hiện nay, tuyến đường sắt được đưa vào phục vụ với mục đích là tuyến đường du lịch, với 7 km, từ Ga Đà Lạt đến “ga” Trại Mát.
Theo TTXVN