Gần 1000 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ phát triển

Sáng 22-7, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Đề án đến năm 2020 và tham vấn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án gắn với Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2020.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên đoàn chủ tịch, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NQ

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Uỷ viên đoàn chủ tịch, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cho biết, triển khai từ năm 2014, đến nay Đề án 404 đã hỗ trợ kiện toàn, phát triển 990 nhóm trẻ độc lập tư thục. Kết quả trên đã vượt gần gấp đôi so với chỉ tiêu đặt ra (500 nhóm).

Đề án 404 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2014 đến 2017 thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2 từ năm 2017 đến 2020 tiếp tục mở rộng thêm 10 tỉnh, thành.

Sau 6 năm thực hiện Đề án, một số tỉnh thành đã thực hiện quản lý, giám sát các nhóm trẻ độc lập tư thục theo quy định của Nhà nước. Tại một số tỉnh, thành đã bắt đầu tăng cường thực hiện giám sát dựa vào cộng đồng.

Tại TP Hải Phòng, đã duy trì 12 câu lạc bộ chủ nhóm trẻ, 7 tổ giám sát dựa vào cộng đồng. Xây dựng cơ chế phối hợp quản lý và giám sát hoạt động của nhóm trẻ giữa UBND xã/phường, phòng GD&ĐT quận/huyện, tổ trưởng dân phố, Hội phụ nữ cơ sở, phụ huynh và người dân cộng đồng trên địa bàn.

Còn tại Đà Nẵng đã triển khai tập huấn “kỹ năng giám sát các nhóm trẻ độc lập tư thục” cho 100% Chi hội trưởng phụ nữ thực hiện giám sát tại địa bàn.

Trong khi đó TP.HCM đã tăng cường vai trò chi Hội phụ nữ thực hiện giám sát thường xuyên các nhóm trẻ; tham gia kiểm tra giám sát cùng chính quyền phát hiện, xử lý kịp thời một số nhóm trẻ hoạt động không giấy phép, không thực hiện đủ các điều kiện an toàn cho trẻ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án cũng gặp nhiều khó khăn. Một số nhóm trẻ tự giải thể (do chủ chuyển nghề, khó thuê địa điểm, ảnh hưởng dịch COVID-19..) đã gây khó khăn trong đảm bảo tính bền vững của các nhóm trẻ được đề án hỗ trợ kiện toàn.

Mặt khác nhóm trẻ độc lập tư thục tư phát ngày càng đông và thường theo mùa vụ đã đẫn đến việc quản lý, giám sát còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai bày tỏ ý kiến tại hội thảo. Ảnh: NQ

Chia sẻ tại hội thảo, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết trên địa bàn tỉnh có hơn 30 khu công nghiệp vì thế nhu cầu giữ trẻ rất lớn.

Bà Giang cho biết, đến cuối năm nay tỉnh sẽ hoàn tất công tác hỗ trợ cho các nhóm trẻ đáp ứng đủ điều kiện của Đề án. Tuy nhiên bà Giang cũng bày tỏ băn khoăn các nhóm trẻ thường có giá rẻ hơn trường. Nhưng chi phí sẽ đi đôi với bữa ăn dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo. Ngoài ra, việc dạy dỗ cũng không đảm bảo chủ yếu là giữ trẻ. Vì thế, hiện nay các khu công nghiệp mời gọi doanh nghiệp đầu tư cũng đi kèm điều kiện phải xây dựng nhà ở, nhà trẻ cho công nhân.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 4 trường mầm non do doanh nghiệp FDI xây dựng. Công nhân khi gửi con vào những trường này đều được công ty hỗ trợ một phần chi phí.

Bà Giang cũng cho hay, bên cạnh triển khai Đề án 404, tỉnh có triển khai đề án Sữa học đường vì thế chất lượng chăm sóc trẻ tăng lên đáng kể.

Tại TP.HCM, đại diện phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết TP.HCM có nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện đề án tuy nhiên ban đầu cũng có những khó khăn.

Hiện TP.HCM đã triển khai kế hoạch "Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân lao động tại khu chế xuất trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020". Tùy vào đều kiện nhu cầu của các quận, huyện, số trẻ giữ ngoài giờ sẽ ít hay nhiều.

Tính đến thời điểm này tại TP có 51 nhóm trẻ được hỗ trợ kiện toàn phát triển với kinh phí gần 4 tỉ đồng.

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và chỉ tiêu được phân bổ theo Đề án, thời gian tới, các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng, hỗ trợ, kiện toàn các nhóm trẻ độc lập, tư thục trên địa bàn để hỗ trợ tốt nhất cho các nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới