Gắn nút khẩn cấp chống bạo hành trên người bác sĩ

Kể từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước đã có hơn 10 vụ nhân viên y tế (NVYT) bị người nhà hành hung.

Trước những đe dọa về sự an toàn của NVYT xảy ra thời gian qua, Bộ Y tế đã có giải pháp đưa hệ thống an ninh thông minh hỗ trợ chống bạo hành y tế với mục tiêu là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cán bộ y tế trong những tình huống khẩn cấp.

Đây là ý tưởng giải pháp công nghệ của BS Đinh Xuân Thành, BV ĐH Y Hà Nội và một số cán bộ Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đưa ra. Vậy hệ thống này hoạt động như thế nào?

Bị đe dọa, chỉ cần nhấn nút khẩn cấp

Theo PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hệ thống an ninh thông minh hỗ trợ chống bạo hành y tế sẽ được sử dụng tích hợp dễ dàng với trang thiết bị hiện có trên người cán bộ y tế và các trang thiết bị của BV.

Khi có sự cố khẩn cấp hoặc gặp đối tượng có dấu hiệu hành hung thì ngay lập tức cán bộ y tế nhấn nút khẩn cấp trên thẻ, thẻ sẽ gửi tín hiệu SOS khẩn cấp tới các hệ thống an ninh của BV. Từ đây các bộ phận nhanh chóng có thể định danh chính xác vị trí điểm nóng của cán bộ y tế rồi gửi tín hiệu này lên hệ thống điều hành trung tâm.

Hệ thống điều hành trung tâm sẽ kích hoạt các quy trình báo động đồng thời để có sự hỗ trợ ngăn chặn hành vi bạo hành cán bộ y tế.

BS Nguyễn Đình Phi, BV đa khoa Hà Tĩnh, được các đồng nghiệp chăm sóc sau khi bị người nhà bệnh nhân đánh vào tối 8-4. Ảnh: BV HÀ TĨNH

Chuyển ngay thông tin lên Facebook cá nhân

Ngoài ra, hệ thống an ninh thông minh này khi nhận được thông tin sẽ kích hoạt còi báo động BV; kích hoạt hệ thống camera tập trung ghi hình, chụp ảnh để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời chuyển tiếp thông điệp tới cảnh sát trật tự khu vực để hỗ trợ xử lý hành vi gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ, quy trình này có thể cài đặt tùy từng điều kiện của BV.

Song song đó, hệ thống sẽ gửi thông tin điểm nóng cần hỗ trợ khẩn cấp tới điện thoại các nhân viên bảo vệ và các cán bộ có trách nhiệm như ban giám đốc, trực BV… Chuyển thông tin sự việc lên cơ quan chủ quản, cơ quan truyền thông, Facebook các cá nhân nếu có yêu cầu…

“Không thể nói đưa ra hệ thống này sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng hành hùng NVYT mà đây là giải pháp để bảo đảm an toàn hết sức có thể cho đồng nghiệp mình. Khi đưa ra giải pháp này, chúng tôi hy vọng sẽ không phải kích hoạt mà chủ yếu là để cảnh báo tất cả đối tượng có ý định hành hung NVYT phải chùn tay lại vì mọi hành động của họ đều bị quan sát theo dõi” - PGS-TS Trần Quý Tường nói.

Tình trạng mất an ninh BV không chỉ xảy ra ở những cơ sở y tế thuộc TP mà nguy cơ này xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Đối tượng bị tấn công, hành hung chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%). Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên BV, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, 60% còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh… 

Ngoài ra, theo PGS Tường, việc ứng dụng thẻ thông minh, tích hợp nút bấm khẩn cấp còn có thể mở rộng đối tượng sử dụng đối với bệnh nhân có nhu cầu chăm sóc đặc biệt, sử dụng để gọi y tá, phục vụ, trực ca… Khi cần hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân chỉ cần bấm nút trên thẻ. Hệ thống sẽ xác định vị trí và danh tính bệnh nhân, đồng thời báo động đến đội ngũ NVYT trực ca và bác sĩ có mặt kịp thời để hỗ trợ bệnh nhân. Một công đôi việc.

Hiện tại Bộ Y tế đang gửi công văn đến các BV để phối hợp thí điểm hệ thống an ninh này. Dự kiến Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm tại BV Bạch Mai, BV Việt Đức và BV ĐH Y Hà Nội.

Liên tiếp các vụ hành hung nhân viên y tế

• Ngày 13-4, BS BV Xanh Pôn (Hà Nội) trong lúc tư vấn đã bị cha bệnh nhân đánh tới tấp vào mặt. Sự việc xảy ra khiến bác sĩ lo lắng, sợ hãi, không thể tiếp tục làm việc.

• Ngày 31-3, một quân nhân, chồng của bệnh nhân nhập viện đã đánh tới tấp NVYT tỉnh Bắc Kạn.

• Ngày 20-2, BS Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung của BV Sản Nhi Yên Bái sau khi phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân đã bị chính chồng của sản phụ và người nhà hành hung dã man, hành vi phạm tội có tổ chức, gây thương tích nặng cho hai bác sĩ.

• Tối 25-12-2017, BS Đỗ Chính Nghĩa - Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình trong khi cấp cứu bệnh nhân vụ tai nạn giao thông cũng đã bị người nhà bệnh nhân đấm liên tục vào mắt làm gãy xương sống mũi, xước giác mạc, chấn thương sưng nề mặt vùng mắt trái, vùng trán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm