‘Gặp nạn’ khi thi đấu thể thao: Ai bồi thường?

Tờ Injury Claim Coach cho biết các vụ thương tích trong thể thao không chỉ xảy ra với các vận động viên không chuyên mà còn với cả các vận động viên chuyên nghiệp với mức độ đa dạng: Từ mức độ nhẹ đến nặng khiến vận động viên phải điều trị dài ngày, thậm chí phải giải nghệ hoặc tử vong. Theo thống kê của Injury Claim Coach, mỗi năm có đến hàng ngàn người chấn thương khi thi đấu thể thao, điển hình ở các môn bóng rổ, bóng đá, bóng bầu dục, quyền Anh. Trong một số trường hợp nhất định, vận động viên bị thương tích sẽ được bồi thường bởi doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, bảo hiểm không trả tổn thất thu nhập hay sự đau đớn, mất mát tinh thần. Câu hỏi đặt ra là với những trường hợp như thế, ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường cho mọi tổn hại mà vận động viên gặp phải?

Vận động viên “chấp nhận rủi ro”

Theo Injury Claim Coach, hầu như tất cả vận động viên phải chấp nhận các rủi ro thương tích như một phần khó thể tránh khỏi khi tham gia thi đấu thể thao. Thế nên theo tờ All Law (Hoa Kỳ), trong rất nhiều trường hợp, người bị thương không thể yêu cầu bất kỳ ai chịu trách nhiệm về thương tích mình gặp phải trong quá trình thi đấu, đặc biệt trong các giải đấu không chuyên nghiệp. “Vận động viên (tại Hoa Kỳ) hiển nhiên phải chấp nhận rủi ro thương tích trong các giải đấu không chuyên. Thế nên dù có kiện tụng thì việc thắng kiện là rất khó, nếu không muốn nói là không thể” - All Law cho hay.

Các quy định về rủi ro khi chơi, thi đấu thể thao tại Hoa Kỳ thường hạn chế việc kiện tụng hay truy cứu trách nhiệm đối với người gây ra thương tích với người khác trong điều kiện bất khả kháng, tức thương tích là không thể tránh khỏi. Các trường hợp gây thương tích cố hữu liên quan đến các môn thể thao được quy định cụ thể (thao tác sai, vô tình va chạm, va chạm ngoài ý muốn,…). Các vận động viên khi tham gia thi đấu phải ký cam kết hoặc mặc nhiên đã cam kết về các tai nạn, rủi ro có thể xảy ra.

Thế nên nếu vận động viên có trật khớp, sưng đầu gối, đứt dây chằng, hay gãy chân khi chơi bóng đá, bóng bầu dục,… thì ngoài chính vận động viên ra sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cho mọi tổn hại nếu người bị thương không chứng minh được thương tích họ chịu phải xuất phát từ tình huống “bất thường” hay từ một sự cố ý gây thương tích mang tính nguy hiểm. Đó là lý do mua bảo hiểm là một trong những chọn lựa phổ biến khi tham gia thi đấu thể thao, ít nhất là vận động viên được bồi thường chi phí bệnh viện.

 
Ảnh trái: Tay đấm quyền Anh Daniel Aguillon tử nạn sau trận đấu. Ảnh: BOXREC. Ảnh phải: Võ sĩ Michael Watson được ban tổ chức bồi thường 1 triệu bảng Anh. Ảnh: DAILYMAIL

Bị phạt nếu cố ý gây thương tích nguy hiểm

Theo HG.org, thông thường, nếu chấn thương xuất phát từ một sự vô ý bất khả kháng, hậu quả không đáng kể thì ngoài người bị thương, không ai phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi một vận động viên bị chấn thương nặng, nhất là khi bị ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp thì thường ngành chức năng buộc phải vào cuộc để quy trách nhiệm cụ thể. Tờ All Law cho biết thêm trong một số trường hợp nhất định, người bị thương tích vẫn có thể yêu cầu người gây thương tích chịu trách nhiệm pháp lý và đền bù thiệt hại.

Cụ thể, tại Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, nếu vận động viên bị thương bởi các hành vi hung hăng, nguy hiểm một cách không thể chấp nhận từ những vận động viên khác thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. “Khi bạn đang chơi bóng rổ và cố gắng phòng thủ chắc chắn để đối thủ không thể ghi điểm, một vận động viên đối phương đột nhiên đấm vào mặt bạn vì ức chế cách phòng thủ chính đáng nhưng “khó chịu” của bạn, người đó sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của Intentional Tort Lawsuit (Quy định về hành động gây thương tích có chủ đích).

Các cá nhân cố ý lợi dụng thể thao hay quá trình va chạm trong thi đấu để tấn công (thể xác hay tinh thần) đối thủ đều có thể hầu tòa tùy theo mức độ. Tuy nhiên, nhìn chung các hành động “bạo lực” trong thể thao thường sẽ chịu án nặng hơn một số hành động mang tính chất dân sự tương tự thông thường. Người chịu án phải bị phạt tiền, thậm chí các hành vi bạo lực còn là cơ sở để tòa án xem xét truy tố trách nhiệm hình sự.

Quy trách nhiệm “bên thứ ba”

Nếu không xét vận động viên bị thương (vì bất cẩn hay sai thao tác thi đấu), người cùng chơi (cố ý gây thương tích một cách nguy hiểm) thì “bên thứ ba” (bao gồm cả ban tổ chức, trọng tài, bên cho thuê sân bãi và cơ sở vật chất thi đấu,…) cũng có thể bị quy trách nhiệm. Trong rất nhiều vụ “tai nạn” trong thể thao trên thế giới, thường thì “bên thứ ba” chính là chủ thể thường phải chịu trách nhiệm nhiều nhất.

Theo đó, nếu ban tổ chức tổ chức giải đấu nhưng không lường trước các rủi ro cho vận động viên; trọng tài sơ suất khiến vận động viên bị thương hay bị tấn công không đáng; cổ động viên quá khích tấn công vận động viên đều sẽ bị quy kết trách nhiệm tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và hậu quả của hành vi. Nổi tiếng là vụ vận động viên quyền Anh Daniel Aguillon tử vong năm 2008 vì chấn thương sau một trận đấu “trí mạng”. Tờ Washington Post cho biết Daniel Aguillon, 24 tuổi, đã bị hạ đo ván trong trận đấu với vận động viên quyền Anh người Mexico Alejandro Sanabria tại vòng đấu thứ 12 giải đấu Trung Mỹ.

Theo tường thuật của truyền thông quốc tế năm 2008, trận đấu ác liệt kết thúc bằng những cú đấm liên tục của đối thủ vào quai hàm Daniel Aguillon khiến anh lăn ra và bất tỉnh, ngay lập tức được chuyển đến BV Mexico City để điều trị. Tuy nhiên, Daniel Aguillon đã không thể vượt qua cơn nguy kịch, tử vong sau năm ngày tại bệnh viện. Hội đồng Quyền Anh Thế giới (WBC) đã chi trả toàn bộ chi phí, cũng như các khoản tiền tinh thần cho gia đình Daniel Aguillon. “Giải đấu được WBC tổ chức, ưu tiên của chúng tôi chính là giúp gia đình Daniel Aguillon vượt qua những khó khăn tài chính. Ngoài ra, WBC, các đơn vị đồng tổ chức và tất cả người trong làng quyền Anh cam kết hỗ trợ tiền cho vợ và các con của Daniel Aguillon” - Tổng Thư ký của WBC Mauricio Sulaiman tuyên bố trước báo chí sau cái chết đáng tiếc của Daniel Aguillon.

Một trường hợp tương tự với Daniel Aguillon là tay đấm người Panama Pedro Alcázar. Cái chết của Alcázar gây sốc cho thế giới quyền Anh. Sau khi thất bại trước võ sĩ Fernando Montiel trong trận đấu ở Las Vegas (Nevada, Hoa Kỳ) năm 2002, Alcázar được các bác sĩ chẩn đoán vẫn khỏe mạnh, không gặp bất kỳ chấn thương bất thường nào. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, Alcázar bất ngờ gục ngã, chết tại bệnh viên khi chuẩn bị trở về quê hương. Sau cái chết chấn động của Alcázar, cơ quan chức năng đã thảo luận và đưa ra quy định theo dõi sức khỏe liên tục 48 giờ sau trận đấu với võ sĩ quyền Anh, dài hơn so với trước đó. Nhiều nhà bình luận cho hay nếu xét trường hợp của Alcázar theo luật “An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp” (gọi tắt là OSH) của Vương quốc Anh, thì trách nhiệm của cơ quan tổ chức là không thể tránh khỏi.

Ban tổ chức phải đảm bảo an toàn cho vận động viên

Năm 1991, tay đấm Michael Watson bị hạ gục trên sàn đấu tại sân vận động White Hart Lane (Anh). Tờ Telegraph mô tả sau khi gục xuống sàn đấu, Watson không được cứu chữa kịp thời vì thiếu quá nhiều điều kiện cấp cứu cần thiết cho một trận đấu quyền Anh, thậm chí còn không có ôxy. “28 phút vàng của Watson đã trôi qua trước khi anh được chuyển đến BV Barts, nơi anh được Peter Hamlyn tận tình cứu chữa nhưng vẫn phải từ bỏ sự nghiệp vì não bị chấn thương nặng và máu tụ nhiều” - tờ Telegraph bình luận. Sau một năm điều trị vất vả, Watson cũng dần khỏe lại và anh quyết định kiện Ban kiểm soát quyền Anh của Anh (BBBoC) vì đã tổ chức trận đấu một cách thiếu trách nhiệm. Tòa án tối cao phán quyết BBBoC có trách nhiệm cung cấp điều kiện y tế (nhân lực và vật lực) đảm bảo an toàn cho các võ sĩ, cơ bản nhất là ôxy. BBBoC đã tắc trách nghĩa vụ của mình đối với Watson và tổ chức này buộc phải bồi thường 1 triệu bảng Anh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm