Gặp xe cứu thương hú còi, tài xế phải làm gì?

(PLO)-  Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải đi theo hướng dẫn được quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ việc tài xế xe ô tô tải không nhường đường cho xe cứu thương đang chở bệnh nhân bị vỡ gan đi cấp cứu đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận.

Theo clip được lan truyền trên mạng xã hội, sự việc xảy ra vào chiều tối ngày 17-10, ông Vũ Thế P (44 tuổi, ngụ thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đã điều khiển xe ô tô tải mà không chịu nhường đường cho xe cứu thương đang chở bệnh nhân bị vỡ gan từ Tuyên Quang đi Hà Nội để cấp cứu.

Ngày 18-10, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ xe của ông P để xử lý đối với hành vi nêu trên.

Theo đó, ông P sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng do điều khiển xe ô tô không nhường đường cho xe ưu tiên.

Ngoài ra, ông P cũng sẽ bị phạt từ 10-12 triệu đồng do không xuất trình được giấy phép lái xe.

Tài xế P lạng lách, đánh võng, không chịu nhường đường cho xe cứu thương. Ảnh cắt từ clip

Tài xế P lạng lách, đánh võng, không chịu nhường đường cho xe cứu thương. Ảnh cắt từ clip

Từ vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc, khi gặp xe ưu tiên thì phải đi sao cho đúng luật?

Trao đổi với PV, Thạc sĩ – luật sư (LS) Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn LS TP.HCM cho biết: Theo khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thì những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;...

Khoản 3 Điều luật này quy định khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Như vậy, tất cả những người tham gia giao thông khi nhận thấy có tín hiệu của một trong các xe ưu tiên thì phải chấp hành và đi đúng hướng dẫn nêu trên. Nếu không chấp hành thì sẽ bị xử lý.

Cụ thể, theo khoản 6 Điều 5 Nghị định số 100/2019 (được sửa đổi bởi điểm c khoản 3 điều 2 Nghị định 123/2021) thì hành vi không nhường đường cho xe được quyền ưu tiên có thể bị XPVPHC với mức phạt từ 6-8 triệu đồng, ngoài ra người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2–4 tháng.

Trong trường hợp người tham gia giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác... có thể bị xử lý hình sự theo Điều 260 BLHS về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

“Trường hợp không có giấy phép lái xe mà lái xe gây tai nạn chết người có thể bị phạt tù từ 3-10 năm”, ThS-LS Ý nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm