GDP quý II-2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn 2011-2023, mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II-2020.
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO), cho biết tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023, diễn ra sáng nay 29-6.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.
Đại diện GSO cho biết, sản xuất nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm đạt kết quả khá, đóng góp quan trọng trong mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như tác động của lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng chậm, đặc biệt là ở các nước EU, châu Mỹ, Nhật Bản.
Người tiêu dùng ở các quốc gia này thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu. Đây là những yếu tố chính khiến đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và thủy sản giảm mạnh.
Bên cạnh đó, ngày 16-5, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua quy định sẽ cấm nhập khẩu vào thị trường EU những mặt hàng nông sản, gồm: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ và đồ gỗ, gia súc, ca cao, cao su và một số sản phẩm phái sinh được thực hiện trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Như vậy, những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ buộc phải tuân thủ theo quy định này, gồm: Cà phê, gỗ và đồ gỗ, ca cao, cao su.
"Đây là thách thức và cũng là cơ hội để các ngành hàng tại Việt Nam tái cấu trúc, đặc biệt là cà phê phát triển bền vững", đại diện GSO cho hay.
Với tăng trưởng GDP của quý II như vậy, tính chung 6 tháng, tăng trưởng GDP của nền kinh tế ước chỉ đạt 3,72%. Con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 2020.
Mức tăng trưởng GDP thấp trong 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực.
|
Tình hình kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn: GSO |
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2023 tăng 0,27% so với tháng trước. CPI bình quân quý II-2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 6-2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022.