Tổng cục Thống kê nói gì khi giá hàng hoá tăng mạnh nhưng CPI vẫn 'đẹp'?

(PLO)-  Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định trong thời gian tới sẽ nâng cao chất lượng thu thập thống kê tốt hơn, nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ tại Tọa đàm “Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách” tổ chức sáng 19-6 tại Hà Nội, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, số liệu của ngành thống kê đôi khi công bố còn chưa kịp thời và còn thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở.

Nỗ lực nâng cao chất lượng thống kê

Theo bà Hương, trong thời gian qua, ngành thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới nảy sinh, sự tiếp cận đa dạng của người dùng tin, sự bùng nổ của công nghệ liên quan đến mọi mặt của đời sống... đòi hỏi ngành thống kê phải luôn vận động, đổi mới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Minh Trúc
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Minh Trúc

“Các phương pháp thống kê vì thế có những thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển của xã hội. Với đặc thù của một ngành chuyên môn sâu, phương pháp luận của chúng tôi luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, để triển khai những chỉ tiêu mới, ngành thống kê đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước về các chỉ tiêu thống kê như kinh tế số, logistics, rồi sắp tới đây là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…

Nhờ vậy, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dùng tin trong nước và quốc tế.

Tuy vậy, bà Hương thừa nhận, trong quá trình triển khai hoạt động, ngành thống kê vẫn gặp những bất cập cần được khắc phục như: số liệu đôi khi công bố còn chưa kịp thời, đặc biệt với những tình hình diễn biến bất thường trong nền kinh tế.

Còn thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở; công tác tuyên truyền chưa thật tốt, đặc biệt với các vấn đề liên quan nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến việc người sử dụng thông tin thống kê chưa hiểu rõ, không đồng thuận với số liệu.

Phóng viên đặt câu hỏi tại toạ đàm về giá hàng hoá tăng trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn "đẹp như mơ". Ảnh: Minh Trúc

Phóng viên đặt câu hỏi tại toạ đàm về giá hàng hoá tăng trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn "đẹp như mơ". Ảnh: Minh Trúc

Còn băn khoăn

Tại tọa đàm, một số nhà báo phản ánh: công chúng đang băn khoăn rau, hoa quả, lương thực, thực phẩm... ở thị trường tăng liên tục, vì sao Tổng cục Thống kê vẫn công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) “đẹp như mơ”? Trong khi tất cả các nền kinh tế phát triển đều công bố tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm rất cao, còn Việt Nam lại chỉ loanh quanh tỷ lệ thấp, rất khó tin, ngành thống kê lý giải thế nào về thực trạng này?

Trả lời câu hỏi liên quan, bà Hương khẳng định, dữ liệu thống kê luôn có độ trễ, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng như vậy.

Riêng về số liệu liên quan đến thống kê hoạt động của doanh nghiệp, bà Hương cũng cho rằng, số liệu thống kê có sự chênh lệch xuất phát từ chính doanh nghiệp cung cấp thông tin. Có những doanh nghiệp cung cấp số liệu luôn khẳng định là đúng, nhưng với cuối kỳ thống kê mới cho là mình “nhầm”.

“Dữ liệu doanh nghiệp hàng tháng hàng, quý là do doanh nghiệp nhập và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Khi thống kê sai, chúng tôi phải đính chính, giải trình, có ví dụ địa chỉ cụ thể đơn vị nào cung cấp thông tin sai”, bà Hương nói.

Cụ thể hơn, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, chia sẻ phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo chuẩn mực quốc tế và được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng.

“Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực,” bà Oanh khẳng định.

Để tính CPI, bà Oanh cho hay danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân, gọi là “rổ” hàng hóa (thời kỳ 2020-2025) có 752 mặt hàng. Trừ một số mặt hàng phải thống nhất quy cách, phẩm cấp trên phạm vi cả nước trong danh mục chuẩn, những mặt hàng và dịch vụ còn lại được xây dựng một mạng lưới điều tra giá riêng biệt, tuỳ địa phương.

Bên cạnh đó, mạng lưới điều tra giá là các chợ, trung tâm thương mại, các siêu thị bán lẻ... có hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ để tiến hành điều tra thu thập giá.

Ngoài ra, ngành thống kê cũng xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm trong danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện hay còn gọi là quyền số. Hàng tháng, các địa phương cũng tổ chức thu thập giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ.

“Hiện nay, cơ quan thống kê đã triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử-CAPI tại 63 tỉnh, thành. Từ đó, chất lượng số liệu điều tra được nâng cao đồng thời minh bạch quá trình điều tra, rút ngắn thời gian sản xuất số liệu và tiến tới hội nhập với thống kê thế giới,” bà Oanh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm