Chiều tối 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận Hội nghị ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra tại Cần Thơ. Thông điệp Thủ tướng đưa ra sau hai ngày cùng hơn 500 đại biểu thảo luận về thích ứng BĐKH là “Biến thách thức thành cơ hội, chủ động sống chung với BĐKH, với nước mặn, nước dâng”.
Về giải pháp tổng thể, Thủ tướng nêu rõ trước hết cần rà soát lại các quy hoạch tổng thể ngành, địa phương đã có tại ĐBSCL. Quy hoạch mới cần chuyển từ sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, sống chung với nước mặn và ngập. Phấn đấu đến năm 2050 ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng cho biết ngay trong tháng 9 này, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL. Theo đó, một trong những tinh thần cốt yếu chính là giữ được đất, giữ được nước, giữ được con người, trên cơ sở đó cần có tầm nhìn để xây dựng ĐBSCL từ vựa lúa trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng nêu ba quan điểm phát triển ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân. Thứ hai là đổi mới tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Thứ ba là quan điểm phát triển thuận tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên...
Về lĩnh vực tài chính, cần nghiên cứu thành lập quỹ phát triển ĐBSCL với nhiều nguồn lực, đặc biệt là cấp ngân sách. Từ nay đến năm 2020, giải ngân có hiệu quả ít nhất là 1 tỉ USD để làm mấy việc: Làm hệ thống cống điều tiết, cống sông Cái Lớn, sông Cái Bé của tỉnh Kiên Giang để ngăn mặn, cống Trà Sư, Tha La của tỉnh An Giang để điều tiết lũ rồi một số đoạn sạt lở nghiêm trọng, trực tiếp gây ảnh hưởng đến nhà cửa của nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “cái gì tư nhân có thể làm được thì chúng ta tạo điều kiện cơ chế cho tư nhân làm”.
Thủ tướng giao các cơ quan tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của đại diện các địa phương, tổ chức quốc tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL để Chính phủ thảo luận trong kỳ họp thường kỳ tháng 9-2017.
Để phát triển bền vững vùng đất Chín Rồng, định kỳ hai năm một lần, Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị có quy mô tương đương hội nghị này để cùng bàn thảo kế hoạch, rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chủ trương, giải pháp để chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng hơn.
Tại ngày làm việc thứ hai (ngày 27-9), phát biểu về vấn đề tài chính, ông Đức Thắng Nguyễn (đại diện nhóm kinh tế tư nhân) cho rằng ĐBSCL đang cần rất nhiều vốn. Theo ông Nguyễn, hệ thống kinh tế tư nhân trong và ngoài nước, các tổ chức tài chính quốc tế sẵn sàng đầu tư vào ĐBSCL với các dự án lớn về kết cấu hạ tầng, giao thông, năng lượng tái tạo… “Các tổ chức tài chính thích đầu tư 1 triệu USD vào một dự án thay vì là đầu tư vào 10 dự án nhỏ lẻ” - ông Nguyễn nói. GS Đào Xuân Học cũng hiến kế: “Mỗi đô thị nên dành ra 10% đất đai làm hồ nước ngọt. Lắp pin mặt trời 50% diện tích hồ nước. Làm được điều này, chúng ta sẽ hạn chế được việc khai thác quá mức nước ngầm, một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất các địa phương ĐBSCL và nhiều lợi ích khác…”. |