ThS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ với tôi câu chuyện này. Ông kể tại Bến Tre, trong năm 2015, nhóm nghiên cứu của ông phỏng vấn 3.000 hộ dân và ghi nhận có đến 60%-70% đang mắc nợ. Tiền nợ chủ yếu do đau ốm, cho con đi học, hầu như không có ai vay tiền để làm ăn. Thế nhưng khi được hỏi nếu có tiền sẽ ưu tiên làm việc gì trước thì đa số người dân lại chọn mua sắm.
Tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp quê ở Đồng Tháp sao những lúc được mùa người dân không để dành tiền cho những lúc khó khăn, anh cười: “Dân ở miền Tây xài sung lắm, làm ra được một đồng có khi họ xài tới đồng rưỡi”.
Có lẽ do được thiên nhiên ưu đãi nên người dân sống phóng khoáng, ít lo nghĩ. Cũng vì thế, khi xảy ra những tình huống bất lợi, họ rất dễ bị tổn thương.
Là vựa lúa, vựa cá tôm của cả nước nhưng trên thực tế thu nhập bình quân của người dân ĐBSCL lại không cao. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2010 thu nhập của người dân ĐBSCL lúc đầu bằng 120% so với thu nhập bình quân của cả nước nhưng sau đó giảm dần xuống chỉ còn 80%, tức là thấp hơn cả mức bình quân. Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy chỉ trong vòng năm năm nhưng có đến 370.000 người dân ở ĐBSCL phải di cư đến các nơi khác, trong đó 50% đến TP.HCM.
Với phần lớn diện tích đất dùng để trồng lúa, lâu nay ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào dòng Mekong. Tuy nhiên, theo quy hoạch của các nước, với 120 hồ chứa hơn 100 tỉ m3 nước ở thượng nguồn (các đập của Trung Quốc chiếm trên 25%), lượng nước trên dòng Mekong chảy về ĐBSCL được dự báo sẽ ngày càng thấp. Hiện các đập dâng ở thượng nguồn cũng đang giữ lại khoảng 60% lượng phù sa và nhiều khả năng sẽ làm cho lượng phù sa về ĐBSCL giảm mạnh trong tương lai. Điều này cũng đồng nghĩa cây lúa miền Tây sẽ đứng trước tương lai vô cùng bất ổn.
Đó là một trong những khó khăn mà miền Tây đang đối mặt. Còn nhiều thách thức khác mà “Hội nghị Diên Hồng” về ĐBSCL ngày hôm qua (26-9) đã chỉ ra như về hạ tầng giao thông, về xâm nhập mặn…
Có lẽ đã đến lúc cần có một cái nhìn khác về ĐBSCL. Rằng đây là “vùng trũng” của đất nước, cần phải có sự đầu tư tương xứng để phát triển kinh tế-xã hội. Và người dân cũng phải thay đổi cách sống của mình khi không thể cậy nhờ hoài vào sự ưu đãi của thiên nhiên.