Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương vùng ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày với 3 phiên họp. Trong phiên họp thứ nhất sáng nay các đại biểu sẽ thảo thảo luận chuyên đề về định hướng chiến lược phát triển bền vững.
Phiên khai mạc hội nghị sáng 26-9. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ đánh giá cao và hoan nghênh sự tham gia của đông đảo các đại diện các cơ quan Đảng, các doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế đối tác phát triển và các chuyên gia thuộc lĩnh vực liên quan.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị . Ảnh: HẢI DƯƠNG
Theo Phó Thủ tướng, ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cá nước.
Tuy nhiên, ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nơi đây đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan. Việc khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Kông và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.
Nhận định việc định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trong, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào 4 vấn đề chính.
Sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng Biến đổi khí hậu. Ảnh: Bộ TN&MT
Đó là: Phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước thượng nguồn.
Dự báo được các xu thế hoạt động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn là cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn.
Thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hóa các thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tu , khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Và cuối cùng, Phó thủ tướng nhấn mạnh phải xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ chương trình đề án dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp với tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận, nhất là TP HCM.
Thủy sản một trong những mũi nhọn xuất khẩu của vùng ĐBSCL. Ảnh: GIA TUỆ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá ĐBSCL là một trong những đồng bằng màu mỡ và có lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam. Tính đến tháng 4-2017, ĐBSCL đóng góp vào 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới. |