Thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho thấy, tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong thứ ba ở Việt Nam. Theo đó, chi phí điều trị đái tháo đường ở Việt Nam ước tính khoảng 320 triệu USD năm 2007, dự đoán tăng lên 1,1 tỉ USD năm 2025.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh có tác động rất lớn tới sức khỏe và kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nếu không được kiểm soát tốt, đái tháo đường có thể dẫn đến biến chứng nặng về tim mạch, thận, tổn thương mắt, nhiễm trùng bàn chân dẫn đến đoạn chi.
Bệnh tiểu đường do nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ ăn thiếu lành mạnh, và thiếu vận động. Tuy nhiên trong một nghiên cứu cách đây không lâu của Nhật Bản đã chỉ ra việc ăn quá nhanh có thể khiến cơ thể bạn bị "sốc" đường và sinh ra phản ứng kháng insulin- nguyên nhân của tiểu đường.
Nghiên cứu này được tờ Telegraph dẫn lại cho thấy, cách ăn uống của một người có mối liên hệ mất thiết đến các nguy cơ mắc bệnh của họ.
TS-BS Takayuri Yamaji, Đại học Hiroshima, Nhật Bản, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã theo dõi hơn 1.000 nam giới và phụ nữ trung niên trong vòng 5 năm, để ghi chép lại thói quen ăn uống cũng như tầm soát bệnh tiểu đường.
Cụ thể, những người tham gia nghiên cứu được chia làm ba nhóm, nhóm có thói quen ăn thật chậm rãi, nhóm ăn với tốc độ trung bình và nhóm thường xuyên phải ăn thật nhanh để tiết kiệm thời gian. Kết quả cho thấy, tỉ lệ phát triển các hội chứng chuyển hóa ở nhóm người ăn chậm chỉ hơn 2%, nhóm người ăn tốc độ trung bình là 6,5%, trong khi đó, những người ăn nhanh phải đối mặt với tiểu đường lên tới 11%.
Ăn chậm làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường hơn so với những người ăn nhanh. Ảnh: Nguyễn Châu
Nhóm nghiên cứu đã lý giải sự khác biệt này là do tốc độ ăn đã ảnh hưởng đến một số mặt hoạt động não bộ. Theo đó, khi chúng ta ăn quá nhanh, não sẽ chưa kịp ghi nhận để phát tín hiệu “đã no”, dù rất cơ thể đã đủ lượng cần nạp, khiến bạn vẫn còn cảm giác muốn ăn và sẽ ăn quá nhiều. Quan trọng hơn, việc nạp nhanh một lượng thực phẩm sẽ làm biến đổi nồng độ glucose trong máu đột ngột, lâu ngày dẫn đến phản ứng đề kháng insulin, nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường.
Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với nghiên cứu trên.
"Khi chúng ta ăn chậm, nhai kỹ thì lượng thức ăn nạp và được từ từ. Trong khi đó nếu ăn quá nhanh, nút lửng, thì ngay cả khi cơ thể đã đủ chất rồi nhưng não chưa kịp phát đi tín hiệu no, và chúng ta vẫn nạp thêm khẩu phần, khiến thức ăn bị nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể. Nếu tổng năng lượng nạp vào dư thừa ngày càng nhiều, sẽ dễ dẫn tới việc thừa cân, béo phì, gây nguy cơ mắc tiểu đường cao".