THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG:

“Giải quyết khiếu nại phải dứt điểm, không chuyển lòng vòng”

Lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, UBND và các sở, ngành hơn 60 tỉnh, thành trên cả nước cùng tham dự tại các đầu cầu truyền hình.

Đưa 528 vụ khiếu nại phức tạp ra hội đồng tư vấn

Thủ tướng nêu rõ: Để phát triển kinh tế thì chuyện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng là không thể tránh nhưng chính sách thực hiện phải dung hòa được lợi ích xã hội - chủ đầu tư - của người dân bị thu hồi đất. Vì lợi ích toàn dân, chúng ta phải thu hồi đất để phát triển nhưng không được tùy tiện. Khâu quy hoạch, thẩm định phải chặt chẽ, không được thu hồi đất rồi sử dụng lãng phí. Việc bồi thường, tái định cư phải đúng, sát thực tế và bàn bạc công khai để người dân đồng thuận.

Thủ tướng cũng nhắc nhở khi cưỡng chế, cơ quan chức năng không được dùng vũ khí, quân đội mà phải lấy vận động, thuyết phục là chính. Đặc biệt, hết sức lưu ý các dự án khu đô thị. Việc thu hồi đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng thành đất ở đô thị phải cân nhắc phân chia địa tô chênh lệch sao cho thỏa đáng.

“Còn 528 vụ khiếu nại phức tạp tồn đọng, các địa phương phải tập trung phối hợp giải quyết, đưa ra hội đồng tư vấn, có luật sư, có MTTQ, các ban ngành cùng rà soát, đánh giá kết quả giải quyết trước đây đã thỏa đáng chưa, chính quyền có sai không, Sai thì phải dũng cảm nhận, xin lỗi dân và sửa sai. Còn giải quyết không sai nhưng người dân khổ quá cũng phải xem xét, hỗ trợ chăm lo cho dân nhưng phải nói rõ không phải do thay đổi chính sách giải quyết khiếu nại. Sự việc đã giải quyết đúng hết rồi thì phải thông tin đầy đủ, các cấp phải trả lời nhất quán, không chuyển đơn thư lòng vòng, không chuyển thông báo về địa phương yêu cầu xem xét. Những trường hợp giải quyết khiếu nại đã rõ cần thông tin trên báo, đài để người dân hiểu và đồng thuận. Những trường hợp cố tình lợi dụng người dân kích động khiếu nại vì động cơ chính trị hay vụ lợi ăn chia cũng phải đấu tranh ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật” - Thủ tướng nhấn mạnh.

“Giải quyết khiếu nại phải dứt điểm, không chuyển lòng vòng” ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Khiếu nại do yếu tố “nội sinh”

Hội nghị nhận định: Khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến đất đai, nhà ở chiếm 70%.

Bộ TN&MT, các địa phương phân tích các nguyên nhân phát sinh khiếu nại: Chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập (giá bồi thường thấp, hay thay đổi, thiếu nhất quán…), có sự chênh lệch lớn giữa giá bồi thường với giá thị trường, giá chủ đầu tư chuyển nhượng, nhất là trong trường hợp thu hồi đất nông nghiệp để làm dự án khu đô thị, khu dân cư, thương mại… Quản lý đất đai còn lỏng lẻo, nhiều cán bộ lợi dụng việc thu hồi đất đai để tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm làm người dân thiếu niềm tin... Khi phát sinh khiếu nại không tập trung giải quyết dứt điểm. Chính sách giải quyết khiếu nại từng lúc không nhất quán khiến địa phương khó thực thi. Còn dân thì không còn tin cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí cả Thanh tra Chính phủ nên dù được giải quyết nhiều lần vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài để được hưởng thêm chính sách. Giải quyết thêm lợi ích cho người khiếu nại dai dẳng lại không công bằng cho những hộ dân đã chấp hành đúng luật. Từ đó họ so bì và phát sinh thêm người khiếu nại mới…

Đại diện nhiều tỉnh, thành (TP.HCM, Đồng Nai, An Giang, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hưng Yên…) kiến nghị phải có chính sách giải quyết khiếu nại nhất quán. Nếu chính quyền địa phương làm sai thì phải chịu trách nhiệm, cán bộ sai phạm phải xử lý thật nghiêm minh. Còn vụ việc đã được giải quyết đúng luật thì cấp trên cần trả lời dứt điểm đơn thư khiếu nại, không nên ra thông báo chuyển về địa phương xem xét.

Kích động khiếu kiện để gây rối…

Theo báo cáo của nhiều địa phương, tình hình khiếu nại, tố cáo đang diễn biến rất gay gắt, phức tạp. Đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan trung ương tràn lan. Nhiều vụ việc tuy đã được giải quyết nhưng người dân chưa đồng tình, tiếp tục khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất để thực hiện dự án tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Thanh Hóa, An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai… các vụ đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai ở Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM…

Hiện tượng các nhóm khiếu nại “liên kết” với nhau, tập hợp khiếu nại đông người nhằm gây sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước đang lan dần đến nhiều nơi. Thái độ công dân đi khiếu kiện thiếu kiềm chế, trong một số vụ việc còn thể hiện thái độ sẵn sàng đối đầu, thậm chí hăm dọa cán bộ có trách nhiệm. Một số trường hợp có bàn tay của các thế lực thù địch xúi giục, kích động người khiếu nại có những hành vi quá khích, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn định chính trị-xã hội tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí cho biết một số người đã kích động người dân đi khiếu nại để quay phim, chụp ảnh gửi lên mạng theo đạo diễn của một số tổ chức phản động lưu vong. Số khác đã lợi dụng quyền dân chủ để kích động khiếu kiện nhằm lăng mạ người thực hiện công vụ, gây rối trị an...

Từ năm 2008 đến 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp trên 1.571.500 lượt người đến khiếu nại, tố cáo và xử lý 672.990 đơn thư. Số vụ khiếu nại, tố cáo và cả số đoàn khiếu kiện đông người ngày càng tăng.

Các cơ quan chức năng đã giải quyết 257.419/290.565 vụ khiếu nại (trên 88%). Kết quả có 19,8% trường hợp khiếu nại đúng; 28% khiếu nại có đúng, có sai; 52,2% khiếu nại sai.

Trong giải quyết 33.160/39.107 vụ tố cáo (đạt trên 84%), có 16,2% đơn tố cáo đúng, 29,6% đơn tố cáo có đúng, có sai; còn 54,2% đơn tố cáo sai.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thu hồi cho Nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng, hơn 1.200 ha đất; khôi phục quyền lợi cho hơn 6.600 công dân với số tiền 595 tỉ đồng, gần 1.000 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.951 người; chuyển cơ quan điều tra 239 vụ, 382 người…

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm