Giải trình các ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

(PLO)- Bộ KH&ĐT giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-6, Bộ KH&ĐT có báo cáo dài 35 trang gửi các ĐBQH về một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Một góc TP. Thủ Đức

Một góc TP. Thủ Đức

Tổng hợp 128 ý kiến của ĐBQH thảo luận tại 19 tổ, Bộ KH&ĐT cho hay hầu hết ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành và thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Lý do cần tăng số lượng Phó Chủ tịch huyện, phường, thị xã, thị trấn

Về một số nội dung cụ thể, liên quan đến tổ chức bộ máy của TP, Bộ KH&ĐT cho hay có ý kiến ĐB đề nghị thuyết minh sự cần thiết và tính hợp lý của việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, bảo đảm không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản.

Trước ý kiến ĐBQH, Bộ KH&ĐT cho hay TP đã thực hiện thí điểm mô hình hoạt động Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM qua hai giai đoạn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Sau gần sáu năm hoạt động thí điểm, Ban quản lý An toàn thực phẩm bước đầu đã xây dựng được một mô hình cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Sở An toàn thực phẩm sẽ được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ban quản lý an toàn thực phẩm có sẵn bộ máy tổ chức, biên chế, trụ sở nên không phát sinh thêm biên chế, tổ chức.

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 quy định: “trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị”. Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị đối với nội dung này.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, tại phiên thảo luận tổ, có ý kiến đề nghị cân nhắc số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện, phường, xã, thị trấn vì cần tinh gọn, hiệu quả bộ máy, giảm số lượng cấp phó.

Về việc này, Bộ KH&ĐT cho biết TP còn ba huyện (Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè) là huyện loại hai, được bố trí hai Phó Chủ tịch UBND huyện. TP có 48 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 dân trở lên là phường, xã, thị trấn loại một, được bố trí hai Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ quá trình điều hành, quản lý nhà nước tại địa bàn, số lượng hai Phó Chủ tịch UBND huyện, hai Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chưa đảm bảo được nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho Chủ tịch UBND huyện.

Do đó, để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý, dự thảo Nghị quyết quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên (tăng thêm 1 Phó Chủ tịch- PV) để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phân cấp cho HĐND TP. HCM chủ động bố trí cán bộ, công chức cấp xã

Bộ KH&ĐT cũng cho hay có ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định nội dung về thẩm quyền của HĐND TP quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn vì quy định chưa phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sáng 26-5.

Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sáng 26-5.

Về vấn đề này, Bộ KH&ĐT cho hay mật độ dân số của TP theo kết quả điều tra Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là gần 4.300 người/km2 (tăng gần 26% so với năm 2009) và là Thành phố có mật độ dân số cao nhất của cả nước.

TP hiện có 48/312 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 người trở lên, hơn gấp ba lần với quy định về quy mô dân số theo tiêu chuẩn của phường là 15.000 dân trở lên.

Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu yêu cầu “…Tiến hành sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị… cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn”.

Hiện số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã được phân bổ theo quy định tại Nghị định số 34 của Chính phủ và trên cơ sở số lượng cán bộ, công chức tại Quyết định số 72 của Ban Chấp hành Trung ương về biên chế các cơ quan giai đoạn 2022-2026.

Quá trình áp dụng thực tế tại TP đã phát sinh khó khăn do số lượng cán bộ, công chức cấp xã được phân bổ chưa phù hợp với các phường, xã, thị trấn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp và đang trong quá trình đô thị hóa.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất chính sách phân cấp cho HĐND TP nhằm chủ động trong việc bố trí cơ cấu, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đáp ứng đúng yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm phức tạp của từng địa bàn.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, tại thảo luận Tổ, có ý kiến về quy định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Bộ KH&ĐT cho rằng dự thảo Nghị quyết quy định chính sách tương tự như khoản 3, Điều 6 Nghị quyết số 54 của Quốc hội đã cho phép TP thực hiện.

Đến nay, việc xây dựng cơ cấu tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW chưa được thực hiện nên chưa có cơ sở xác định quỹ lương cơ bản để làm cơ sở so sánh hệ số chi thu nhập tăng thêm theo mức đề xuất không quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ với quy định không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Do vậy, TP đề xuất tiếp tục được kế thừa Nghị quyết số 54/2017/QH14 chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Khi đó sẽ thực hiện theo quy định mới để tiếp tục tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn bó, cống hiến, cơ bản đáp ứng mức sống tại TP, góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của cả nước…

Liên quan đến tổ chức bộ máy của TP. Thủ Đức, đa số ý kiến đại biểu nhất trí nội dung dự thảo. Có ý kiến đề nghị việc quyết định sắp xếp, bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của TP. Thủ Đức thuộc thẩm quyền Chính phủ.

Về việc này, Bộ KH&ĐT cho rằng việc đề xuất chuyển thẩm quyền của Chính phủ (theo Luật tổ chức Chính phủ 2015) về cho HĐND TP.HCM quyết định số lượng quyết định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn trực thuộc TP. Thủ Đức, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường phù hợp tình hình tại TP. Thủ Đức phải được điểu chỉnh bằng Luật/Nghị quyết của Quốc hội vì thẩm quyền đã được quy định bằng luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm