Với nhiều bất cập trong thực tiễn triển khai, TP.HCM đã từng kiến nghị Bộ TN&MT cho phép TP không phải lập kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) hằng năm để giảm tải cho các quận, huyện, sở, ngành, tăng sự điều hành linh hoạt cho các địa phương và chấm dứt sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, khẳng định việc bỏ kế hoạch SDĐ hằng năm vẫn đảm bảo thực hiện tốt quy hoạch SDĐ 10 năm, kế hoạch SDĐ năm năm.
TP.HCM kiến nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Kế hoạch SDĐ hằng năm phải được duyệt trước 31-12
. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc lập kế hoạch SDĐ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP cũng như các quận, huyện hiện nay?
+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Mục tiêu của việc lập kế hoạch SDĐ là để kiểm soát được việc thực hiện các dự án cũng như nhu cầu chuyển mục đích SDĐ của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, doanh nghiệp cũng như hộ gia đình, cá nhân muốn được chuyển mục đích SDĐ thì phải có trong kế hoạch SDĐ của năm đó. Đồng thời, thông qua việc này, từng quận, huyện cũng như TP sẽ nắm được nguồn lực về kinh tế của năm đó.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM |
Ví dụ, địa phương dự kiến năm đó chuyển mục đích SDĐ khoảng 100 ha đất thì sẽ dự toán được nguồn thu từ việc này là bao nhiêu. Đối với các tổ chức thì quận, huyện sẽ kiểm soát được các dự án đưa vào kế hoạch là đã được ghi vốn, có chủ trương đầu tư và kiểm tra được tiến độ thực hiện, đảm bảo cho việc chuyển đúng như quy hoạch được duyệt.
. Quy trình và thời gian của việc lập kế hoạch SDĐ hằng năm được thực hiện như thế nào, thưa ông?
+ Theo quy định thì đến quý III hằng năm, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai phải hướng dẫn các địa phương triển khai lập kế hoạch SDĐ cho năm sau. Và kế hoạch SDĐ của năm sau phải được phê duyệt trước ngày 31-12 của năm trước. Tổng thời gian để lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch SDĐ hằng năm là 105 ngày (ba tháng rưỡi).
“Có quy hoạch SDĐ 10 năm, kế hoạch SDĐ năm năm và quy hoạch xây dựng, việc lập kế hoạch SDĐ hằng năm là không cần thiết.”
Theo đó, hằng năm khoảng tháng 10, Sở TN&MT bắt đầu triển khai đến các địa phương về việc lập kế hoạch SDĐ. Sở dĩ phải thực hiện trong quý III vì phải đến thời điểm này thì các quận, huyện và TP Thủ Đức mới đánh giá được kết quả thực hiện kế hoạch SDĐ trong năm.
Sau khi sở triển khai xuống các địa phương thì các nơi này một mặt sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch SDĐ. Mặt khác, các địa phương sẽ gửi văn bản triển khai đến các phường, xã, thị trấn để người dân đăng ký nhu cầu chuyển mục đích SDĐ.
Khi các địa phương đã chọn được đơn vị tư vấn và lập xong kế hoạch SDĐ thì chuyển về Sở TN&MT để thẩm định. Sau khi thẩm định, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện kế hoạch SDĐ của cấp huyện, Sở TN&MT sẽ trình TP xem xét, phê duyệt.
Lợi ích của bỏ lập kế hoạch SDĐ hằng năm
Đầu tiên là sẽ giảm được đáng kể thời gian, công sức của cán bộ, công chức của cả hệ thống chính trị từ TP đến phường, xã, thị trấn. Thay vì phải dành thời gian để lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch SDĐ thì nên dành thời gian đó để thực hiện quản lý, giám sát. Đồng thời, việc lập kế hoạch SDĐ hằng năm cho 21 quận, huyện và TP Thủ Đức cũng chiếm một ngân sách không hề nhỏ. Vì vậy, thay vì dùng ngân sách để thực hiện công tác này thì nên để tập trung cho những mục đích khác.
Bỏ kế hoạch SDĐ cũng tạo cho địa phương sự điều hành linh hoạt hơn. Như tôi đã phân tích ở trên, kế hoạch của các địa phương còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng bị ràng buộc cứng trong một năm thì rất khó xoay xở. Người dân cũng thuận lợi hơn khi thay đổi nhu cầu, thay đổi quyết định liên quan đến chuyển mục đích SDĐ.
Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM
Ba nhóm nguyên nhân chậm trễ kế hoạch SDĐ
. Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, gần như kế hoạch SDĐ của các quận, huyện và TP Thủ Đức năm nào cũng được phê duyệt chậm. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
+ Đúng là việc lập kế hoạch SDĐ hằng năm có sự chậm trễ so với thời gian quy định là ngày 31-12 hằng năm. Trong ba năm gần đây, quận, huyện mà sớm nhất thì cũng tháng 2 mới phê duyệt được. Một số quận, huyện muộn nhất cũng phải đến tháng 7, tháng 8.
Việc chậm phê duyệt kế hoạch SDĐ đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án trên địa bàn TP cũng như người dân phải chờ đợi lâu hơn. Các quận, huyện, sở, ngành cũng nỗ lực để làm nhưng đây là pháp lý nên phải làm rất chặt chẽ và thời gian phải tuân thủ đúng trình tự. Với khối lượng công việc và trình tự, thủ tục như hiện nay thì không thể nào phê duyệt kịp trước thời điểm 31-12.
. Những nguyên nhân chính nào khiến cho việc lập kế hoạch SDĐ luôn trễ, thưa ông?
+ Có ba nhóm nguyên nhân dẫn đến việc kế hoạch SDĐ luôn chậm phê duyệt. Nhóm thứ nhất gồm ba khâu: Địa phương tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn (45 ngày), niêm yết công khai (30 ngày), chờ người dân đăng ký nhu cầu chuyển mục đích SDĐ (30 ngày). Tổng cộng địa phương có 105 ngày để hoàn tất và chuyển về trình cho Hội đồng thẩm định TP gồm hơn 10 sở, ngành.
Hội đồng này cũng phải cả tháng mới có đầy đủ ý kiến bằng văn bản về kế hoạch SDĐ của địa phương đó. Tuy nhiên, thời gian để có văn bản này thường kéo dài hơn 20 ngày vì có rất nhiều nội dung các sở, ngành phải bàn. Xong bước này, cũng phải mất gần 130 ngày để hoàn thiện và trình UBND TP.
Nhóm nguyên nhân thứ hai, vì một số địa phương sau khi đấu thầu chọn được đơn vị tư vấn thường phải thông qua Ban thường vụ quận/huyện ủy hoặc HĐND huyện để thông qua. Vì đối với các địa phương, kế hoạch SDĐ luôn gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội nên có ý nghĩa rất quan trọng và phải thông qua các cấp lãnh đạo. Điều này cũng ảnh hưởng đến thời gian chung.
Nhóm thứ ba là một số dự án phải chờ được cấp vốn mới có thể đưa vào kế hoạch SDĐ. Vì trong một năm không phải chỉ có dự án thường xuyên mà còn có một số dự án đặc biệt quan trọng, cấp bách không thể không thực hiện. Chẳng hạn, thay vì dự án đó thực hiện vào năm 2025 nhưng vì tính chất cấp bách và xét đến sự cần thiết buộc phải thực hiện trong năm 2022 thì địa phương phải điều chỉnh mục tiêu để đưa sang thực hiện trong năm 2022.
Nếu dự án đó chậm cấp vốn thì các địa phương cũng phải chờ có vốn rồi mới đưa vào kế hoạch SDĐ. Từ thực tiễn trên đây để khẳng định rất khó để đảm bảo thực hiện tiến độ phê duyệt kế hoạch SDĐ hằng năm theo đúng ngày 31-12 như luật định.
Bỏ kế hoạch SDĐ hằng năm vẫn “chạy tốt”
. TP.HCM từng đề xuất trung ương cho phép TP không lập kế hoạch SDĐ hằng năm và đưa nội dung này ra khỏi dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Vậy nếu bỏ, TP sẽ căn cứ vào đâu để kiểm soát việc thực hiện các dự án thu hồi đất cũng như giải quyết chuyển mục đích SDĐ cho người dân?
+ Thứ nhất, TP.HCM cũng như các tỉnh hiện nay đều phải lập kế hoạch SDĐ năm năm để trình Thủ tướng phê duyệt. Kế hoạch SDĐ năm năm đã chứa đựng tất cả những gì mà trong năm năm đó phải làm, kể cả nhu cầu chuyển mục đích SDĐ, thu hồi đất để thực hiện các dự án. Các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ vào kế hoạch SDĐ năm năm để tùy theo nguồn lực của mình được phân bổ để điều hành cho hiệu quả.
Thứ hai, TP.HCM hiện có quy hoạch SDĐ 10 năm cũng đã được Thủ tướng phê duyệt. Cùng với kế hoạch SDĐ năm năm, TP đã có thể quản lý chặt chẽ về nguồn lực, về quy hoạch và các yếu tố khác.
Thứ ba, riêng TP.HCM ngoài quy hoạch SDĐ 10 năm, kế hoạch SDĐ năm năm được duyệt thì còn có quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt. Hiện nay, TP đã phủ kín các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000. Các vấn đề liên quan đến quản lý, SDĐ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đều dựa trên quy hoạch đất đai và xây dựng để giải quyết.
Vì vậy, nếu bỏ kế hoạch SDĐ hằng năm cũng không ảnh hưởng gì đến việc kiểm soát, thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ.
. Xin cám ơn ông.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QUANG PHÚC |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về giá bồi thường khi thu hồi đất
Sáng 3-11, theo lịch trình, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, các ĐB đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi đất, nhất là đối với các dự án để phát triển kinh tế - xã hội.
Cần sự công bằng trong
xác định giá đất
Theo quy định hiện hành, có năm phương pháp để xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể dùng để bồi thường cho dân khi Nhà nước thu hồi đất và để xác định nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp.
Hiện nay, một số trường hợp được dùng nhiều phương pháp để tính giá đất cho một hồ sơ dự án. Tuy nhiên, nhiều khi kết quả xác định giữa các phương pháp lại cho ra kết quả chênh lệch khá lớn.
Có ý kiến cho rằng cứ làm hết năm phương pháp, cái nào cho ra giá cao nhất thì áp dụng để tránh thất thu ngân sách nhà nước. Nếu chúng ta dùng hết năm phương pháp xác định giá đất rồi chọn ra phương pháp có giá cao nhất thực hiện theo cách làm này thì có ý kiến thắc mắc: Khi Nhà nước bồi thường cho người dân thì có gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hay không? Và khi dùng giá cao nhất đó để xác định nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp thì liệu có công bằng với họ?
Đó cũng chính là lý do khiến cho các hội đồng thẩm định giá đất TP bất an khi tham gia thẩm định giá đất cụ thể. Từ thực tiễn đó, bà Hạnh kiến nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về việc xác định giá đất cụ thể để tạo hành lang pháp lý an toàn cho việc tổ chức thực hiện. Đồng thời tạo sự công bằng và bình đẳng cho các doanh nghiệp.
ĐB NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) dẫn Điều 86 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, Điều 86 đưa ra rất nhiều loại dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi, trong đó có cả dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, dự án lấn biển, dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn...
ĐB Ngân đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, để đảm bảo quyền của người dân theo Hiến pháp và pháp luật. Ông Ngân cho rằng dự thảo luật nên hạn chế tối đa những dự án Nhà nước đứng ra thu hồi đất, để các dự án kinh tế - xã hội cho người dân và nhà đầu tư tự thương lượng theo giá thị trường. Ngoài ra, chỉ xem xét thu hồi đất nông nghiệp và hạn chế đến mức tối đa thu hồi đất phi nông nghiệp của dân.
“Khi đi tiếp xúc cử tri, người dân cho biết đất của họ tự nhiên bị quy hoạch đất công viên, cây xanh và được bồi thường giá rất thấp. Trong khi ngay bên cạnh, nhà dân khác thuộc quy hoạch đất thương mại lại được bồi thường giá cao hơn nhiều. Tôi cho rằng phải xem xét mặt bằng giá để đảm bảo quyền lợi của người dân” - ông Ngân nói.
Bên cạnh đó, ĐB Ngân cũng nêu thêm: Sau khi thu hồi đất, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ là rất gian nan.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết từ lần sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, bà và nhiều ĐB đã đặt vấn đề Nhà nước chỉ nên tập trung thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng. Qua gần 10 năm thực hiện luật, thực tế cho thấy vấn đề thu hồi đất đã gây không ít sự việc mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến quyền lợi, lòng tin của người dân.
Nữ ĐB cho rằng mục đích phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích công cộng rất rộng, liệt kê vào luật sẽ “chỗ thiếu, chỗ thừa”. Do vậy, bà kiến nghị luật chỉ quy định Nhà nước thu hồi, trưng dụng đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, các dự án còn lại để doanh nghiệp tự thương lượng với người dân.
Có mặt tại buổi thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ghi nhận, tiếp thu, đồng thời giải trình thêm một số nội dung mà các ĐB quan tâm. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thu hồi đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Sẽ không còn khái niệm Nhà nước thu hồi đất để làm quốc phòng, an ninh và làm đường thì giá thu hồi rẻ hơn đối với đất đai làm thương mại, dịch vụ của doanh nghiệp.
“Chúng tôi muốn tất cả các vấn đề này sẽ trên một mặt bằng về chính sách. Luật lần này mong muốn và cố gắng làm như vậy” - Bộ trưởng Hà nói.
Theo Bộ trưởng Hà, để làm được điều đó, Nhà nước sẽ trực tiếp điều tiết địa tô chênh lệch do Nhà nước điều chỉnh mục đích, xây dựng hạ tầng và Nhà nước phải hài hòa được các lợi ích này cho địa phương này với địa phương khác, giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng đất cũng như bảo đảm công bằng cho các đối tượng khác.
Ông Hà nói: “Ở đây có quan điểm nên mở rộng đối tượng thuộc diện Nhà nước thu hồi hay giảm tối đa việc Nhà nước thu hồi? Về phía Bộ TN&MT, quan điểm là chỉ thu hồi khi dự án chứng minh được đó là dự án công, những dự án an ninh, quốc phòng, dự án kinh tế - xã hội nhưng mang lại lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Vấn đề quan trọng nhất là bằng cách nào chứng minh được dự án đó mang lại lợi ích quốc gia, công cộng. Việc này chúng tôi xác định sẽ để những người dân trực tiếp bị thu hồi đất nêu ý kiến việc có tạo ra lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng không, có tạo ra khoảng cách giàu nghèo không, có tạo ra bất ổn xã hội không, vấn đề giá cả bồi thường hợp lý không, tái định cư hợp lý không...”.
Bộ trưởng Hà cho biết nếu người dân nói đồng ý thì đó là vì mục đích quốc gia, công cộng. Nếu người dân bảo không phải thì chúng ta chỉ dừng lại ở danh mục các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh và dự án Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư.
NHÓM PV