TP.HCM kiến nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm - Bài 2

Năm nào cũng trễ kế hoạch sử dụng đất: Quận, huyện than khó

(PLO)- Các quận, huyện và TP Thủ Đức đều cho rằng việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm là không cần thiết, gây lãng phí và quá tải công việc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người dân phải chờ đợi cả năm trời, quận, huyện công việc quá tải khi thời gian không đủ, kế hoạch lập ra nhưng không khả thi, có quy định nhưng thiếu hướng dẫn thực hiện, tốn thời gian và lãng phí ngân sách…

Đó là hàng loạt bất cập trong công tác lập kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) hằng năm tại TP.HCM nhiều năm nay. Bất cập này khiến cho KHSDĐ năm nào của các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng được phê duyệt trễ hơn rất nhiều so với thời gian quy định, ảnh hưởng rất lớn đến người dân.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, trong buổi giám sát của Ban Đô thị HĐND TP cuối tháng 9. Ảnh: VIỆT HOA

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, trong buổi giám sát của Ban Đô thị HĐND TP cuối tháng 9. Ảnh: VIỆT HOA

Cả người dân và chính quyền đều gặp khó

Tháng 9-2022, HĐND TP.HCM có chương trình giám sát về công tác thu hồi đất, việc chuyển mục đích sử dụng đất (CMĐSDĐ) đối với các dự án có thu hồi đất đã có nghị quyết của HĐND TP tại một số huyện ngoại thành và Sở TN&MT.

Tại các buổi giám sát, các địa phương đều cho rằng việc lập KHSDĐ hằng năm là không cần thiết. Vì hiện nay, TP.HCM hầu như đã phủ kín quy hoạch xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000, cùng với đó, quy hoạch sử dụng đất 10 năm và KHSDĐ năm năm cũng đã được Thủ tướng phê duyệt. Những căn cứ này đủ để giải quyết nhu cầu CMĐSDĐ của hộ gia đình, cá nhân cũng như giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất mà không cần phải lập KHSDĐ hằng năm.

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, việc đăng ký nhu cầu CMĐSDĐ của người dân hiện nay rất không hợp lý và khiến người dân “vô cùng bức xúc”. “Ông A có mảnh đất 100 m2 chỉ mong chuyển sang đất ở để xây nhà thôi nhưng phải đi đăng ký và chờ đợi cả năm trời mới được chuyển mục đích nên bức xúc cũng không có gì lạ” - ông Tùng lấy ví dụ.

Ông Tùng cho rằng Nhà nước có thể lập kế hoạch cho các dự án đầu tư công nhưng nhu cầu của người dân là phát sinh liên tục, hơn nữa người dân đã được cấp quyền sử dụng đất, có toàn quyền với tài sản của mình thì Nhà nước có nhất thiết phải đi lập kế hoạch sử dụng cho người dân hay không. “Làm như vậy Nhà nước vừa rất mất thời gian mà vô hình trung lại làm hạn chế quyền lợi hợp pháp của người dân” - ông Tùng nói.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị nên cho các địa phương được quyền dự ước chỉ tiêu sử dụng đất thay vì phải đưa chỉ tiêu CMĐSDĐ đến từng thửa đất, từng hộ gia đình, cá nhân như hiện nay.

Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức ngày 5-10, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cũng cho rằng việc phải đăng ký nhu cầu CMĐSDĐ mới được giải quyết chuyển mục đích cho người dân là bất cập. Bởi không phải lúc nào người dân cũng sẵn sàng khả năng tài chính để CMĐSDĐ.

Phó chủ tịch huyện Nhà Bè cũng đề xuất thay vì yêu cầu người dân phải đăng ký đến từng thửa đất thì cho phép huyện được đăng ký theo chỉ tiêu. Chẳng hạn, xã này năm nay được CMĐSDĐ khoảng 3 ha, nếu hết chỉ tiêu thì sẽ chuyển hồ sơ của người dân qua năm sau. Người dân cũng không phải đến xã làm đơn đăng ký như hiện nay.

Ông Nguyễn cho rằng KHSDĐ là kế hoạch chung nên không nhất thiết phải chi tiết đến từng thửa đất như khi giải quyết hồ sơ cụ thể của dân. Vì vậy, việc đăng ký theo chỉ tiêu sẽ cho phép địa phương kiểm soát được vùng chuyển mục đích, đồng thời cũng kiểm soát được việc thu ngân sách. Cùng với đó, giảm tải được cho cán bộ, vừa tiết kiệm được ngân sách bỏ ra đấu thầu chọn đơn vị tư vấn để lập KHSDĐ.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị nên cho các địa phương được quyền dự ước chỉ tiêu sử dụng đất thay vì phải đưa chỉ tiêu CMĐSDĐ đến từng thửa đất, từng hộ gia đình, cá nhân như hiện nay.

Thời gian xây dựng kế hoạch quá dài

Theo ghi nhận của PV, KHSDĐ của các quận, huyện và TP Thủ Đức năm nào cũng được phê duyệt chậm trễ. Nguyên nhân được cho là kẹt ở khâu đấu thầu chọn đơn vị tư vấn để lập KHSDĐ có quy định nhưng không rõ ràng, không có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng như Sở TN&MT lúng túng trong quá trình thực hiện.

Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn, khoảng tháng 6 hằng năm, huyện đã ban hành kế hoạch để lập KHSDĐ nhưng luôn vướng khâu đấu thầu. Theo quy định, các quận, huyện phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn nhưng định mức như thế nào thì chưa được hướng dẫn.

“Huyện Nhà Bè đang làm KHSDĐ cho năm 2023 nhưng đến giờ này vẫn chưa có hướng dẫn về định mức nên rất khó khăn và lúng túng” - ông Nguyễn nói.

Liên quan đến nội dung này, TP Thủ Đức cũng cho biết địa phương này cũng loay hoay với đơn giá để đấu thầu nên thời gian thực hiện khâu này lúc nào cũng kéo dài vì phải chờ hỏi ý kiến và xin hướng dẫn. Trong khi đó, một số địa phương khác đã phải “tự xử” bằng cách tự trích từ nguồn chi thường xuyên của Phòng TN&MT để thực hiện.

Tại huyện Củ Chi, KHSDĐ năm 2019 được UBND TP phê duyệt vào tháng 7-2019 (chậm bảy tháng). KHSDĐ năm 2020 được duyệt vào cuối tháng 11-2020 (chậm hơn 11 tháng). Năm 2021 được duyệt vào giữa tháng 3-2021 (chậm ba tháng)… Riêng năm 2022, đến tháng 10 KHSDĐ của huyện này vẫn chưa được phê duyệt.

Vào thời điểm cuối tháng 9-2022, huyện Củ Chi cho biết vẫn đang chờ Sở TN&MT duyệt đơn giá để tổ chức đấu thầu chọn đơn vị tư vấn lập KHSDĐ của năm. Trong khi đó, riêng khâu tổ chức đấu thầu đã mất 45 ngày, đó là chưa kể làm xong còn phải niêm yết trong thời gian 30 ngày.

Tại Cần Giờ, ông Kha Văn Phước, Trưởng phòng TN&MT huyện, cho biết riêng khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, niêm yết công khai đã 75 ngày. Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải kéo dài 30 ngày. Tuy nhiên, đa phần thời gian để người dân đăng ký nhu cầu CMĐSDĐ thường kéo dài hơn 30 ngày vì khi thông báo đến hộ gia đình, cá nhân không phải ai cũng ở nhà để tiếp nhận thông tin.

Ông Phước cho biết các địa phương có tổng cộng 105 ngày để hoàn thành KHSDĐ nhưng với nhiều bất cập như hiện nay thì không có quận, huyện nào có thể hoàn thành đúng thời hạn duyệt KHSDĐ trước ngày 31-12.

“Sau khi huyện lập xong KHSDĐ phải thông qua hội đồng thẩm định gồm hơn 10 sở, ngành cho ý kiến. Chờ các đơn vị này có ý kiến bằng văn bản cũng phải cả tháng trời. Khi chuyển KHSDĐ lên Sở TN&MT, sở phải thẩm định, yêu cầu quận, huyện bổ sung, chỉnh sửa. Việc cho ý kiến, chỉnh sửa cũng mất rất nhiều thời gian” - ông Phước nói.

Theo ông Phước, huyện Cần Giờ thường đến tháng 11 là bắt đầu lập KHSDĐ và chậm nhất cũng phải tháng 2 năm sau mới có thể trình Sở TN&MT thẩm định.

Bất cập về thời gian thực hiện dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất

Một nguyên nhân khiến cho KHSDĐ hằng năm luôn chậm trễ được hầu hết quận, huyện phản ánh là phải chờ các dự án đầu tư công được duyệt vốn rồi mới đưa vào KHSDĐ.

Việc bố trí vốn nằm ngoài thẩm quyền của các địa phương, trong khi đây là các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách không thể không thực hiện nên phải chờ cấp vốn bằng được rồi mới đưa vào KHSDĐ. “Nếu bỏ ra khỏi KHSDĐ mà sau đó dự án được cấp vốn thì cũng không thể triển khai vì một trong những điều kiện để thu hồi đất là phải có trong KHSDĐ được duyệt” - ông Kha Văn Phước cho biết.

Ngoài ra, các địa phương cũng cho rằng quy định sau ba năm dự án chưa triển khai thì phải đưa ra khỏi KHSDĐ là rất bất cập và không khả thi, nhất là đối với các dự án đầu tư công.

Tại TP Thủ Đức, hầu hết dự án đang triển khai là dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Các dự án này đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, ban hành thông báo thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất bị ảnh hưởng trong các dự án. Tuy nhiên, hết ba năm nhưng vẫn chưa được UBND TP duyệt giá bồi thường, hỗ trợ và giá tái định cư để lập phương án bồi thường. TP Thủ Đức cho rằng nếu hủy bỏ dự án thì rất dở dang và khó cho địa phương nhưng hiện nay vẫn không có hướng dẫn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cũng kiến nghị cần xem lại KHSDĐ hằng năm. Trong trường hợp Luật Đất đai mới vẫn giữ nguyên việc phải lập KHSDĐ hằng năm thì cần giãn thời gian thực hiện dự án là năm năm thay vì ba năm như hiện nay. “Nếu chỉ ba năm là không thể thực hiện” - ông Nguyễn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm