Giảm tỉ lệ hồ sơ “ảo”
Nhiều nhận định cho rằng hồ sơ năm nay giảm mạnh do học sinh ít đi, tuy nhiên theo các Sở GD-ĐT khu vực phía Nam thì do thí sinh đăng ký ít hồ sơ hơn. Ông Lê Duy Dân - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Tiền Giang cho biết năm nay tỉnh có tổng cộng hơn 24.500 hồ sơ, giảm đến hơn 3.000 hồ sơ so với năm trước. Nguyên nhân hồ sơ giảm là do học sinh đăng ký ít đi trong khi lượng học sinh lớp 12 vẫn ổn định như mọi năm. Năm nay trung bình mỗi học sinh đăng ký không tới 2 bộ hồ sơ/học sinh.
Tương tự đó, tỉnh An Giang cũng có lượng học sinh bảo hòa nhưng hồ sơ cũng giảm mạnh, tổng số hồ sơ của tỉnh nhận được là 22.186 hồ sơ, giảm hơn 1.000 hồ sơ so với năm 2013.
TPHCM là địa phương vốn có lượng hồ sơ nhiều nhất với tổng số 129.636 hồ sơ nhưng so vơi năm ngoái thì giảm nhiều nhất, đến 18.634 hồ sơ. Thí sinh đăng ký nhiều nhất là vào ĐH Tôn Đức Thắng với hơn 12.700 hồ sơ, kế đến là ĐH Sài Gòn với 11.278 hồ sơ.
Tỉnh Đồng Nai năm nay có tổng lượng hồ sơ là 42.198 hồ sơ, giảm đến hơn 6.250 hồ sơ (chiếm 13%) so với năm 2013. Ông Lê Văn Đức - Trưởng phòng GDCN (Sở GD-ĐT Đồng Nai) cho biết qua số lượng đăng ký dự thi thì ngành Tài chính-Ngân hàng lại được thí sinh đăng ký nhiều hơn so với năm 2013 nhưng không nhiều bằng ngành Quản trị Kinh doanh.
Tỉnh Sóc Trăng bàn giao hơn 9.200 hồ sơ, giảm hơn 1000 hồ sơ so với năm trước. Thí sinh của tỉnh chọn thi vào trường gần là ĐH Cần Thơ là nhiều nhất.
Tỉnh Cà Mau có tổng cộng 9.300 hồ sơ, giảm gần 900 hồ sơ. Theo ông Phạm Hoàng Gan - Trưởng phòng GD chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Cà Mau) thì khối A có nhiều thí sinh đăng ký nhất với hơn 5.300 hồ sơ, trong khi đó khối C ít nhất chỉ 705 hồ sơ đăng ký. Trường nhận nhiều hồ sơ nhất là ĐH Cần Thơ với 4.600 hồ sơ.
Tỉnh Trà Vinh năm nay nhận 8.833 hồ sơ, giảm 400 hồ sơ so với năm 2013. Theo bà Trần Thị Bạch Tuyết - chuyên viên phụ trách tuyển sinh của Sở GD Trà Vinh cho rằng năm nay lệ phí phải đóng một lần với mức khá cao nên có lẽ thí sinh cân nhắc không đăng ký nhiều. ĐH Trà Vinh được đăng ký nhiều tới 4.177 hồ sơ.
Tỉnh Long An giảm đến 3000 hồ sơ so với năm trước; tỉnh Hậu Giang giảm 700 hồ sơ; tỉnh Bình Dương giảm 1000 hồ sơ; tỉnh Khánh Hòa nhận 26.083 hồ sơ, giảm 2.400 hồ sơ; tỉnh Tây Ninh giảm 1.296 hồ sơ; tỉnh Ninh Thuận giảm 1.500 hồ sơ.
Còn cơ quan đại diện Bộ GD-DT tại TPHCM nhận được tổng số hơn 28.000 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó 9.754 hồ sơ dự thi khối A, khối A1 là 3.748 thí sinh đăng ký, khối B là 6.130 hồ sơ, khối D1 là 5.953 hồ sơ và thấp nhất là khối C chỉ có 1.073 hồ sơ/28.000. Theo thống kê, nhóm ngành kinh tế vẫn được là nhóm ngành hot, được thí sinh chuộng nhiều nhất, cụ thể ngành Quản trị kinh doanh có 1.897 thí sinh đăng ký, Kế toán là 1.027; Tài chính ngân hàng gần 1.000 hồ sơ. Kế tiếp là nhóm ngành y với hơn 2.000 hồ sơ; GD Tiểu học là 1.335 hồ sơ và GD mầm non có 306 thí sinh đăng ký. Ở hệ Cao đẳng thì ngành Quản trị Kinh doanh vẫn được đăng ký nhiều nhất.
Theo bà Đặng Thị Thu Kinh - phòng GDCN (Sở GD-ĐT Tây Ninh) cho biết lượng hồ sơ đăng ký vào Kinh tế, Ngân hàng, Ngoại thương đêu tăng. Nhất là ĐH Ngân hàng TPHCM năm ngoái chỉ có 46 hồ sơ thì năm nay có tới 267 hồ sơ.
Sư phạm có dấu hiệu khởi sắc
Cũng theo nhiều Sở mặc dù các địa phương đều có tình trạng dư thừa giáo viên nhưng ngạc nhiên là năm nay học sinh lại đăng ký nhiều vào sư phạm. Ông Lê Duy Dân - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Tiền Giang cho biết trong khi việc tuyển dụng giáo viên của tỉnh đã thừa nhưng không hiểu sao các em lại đăng ký vào sư phạm tăng. Đơn cử như lượng hồ sơ vào ĐH Sư phạm TPHCM tăng gấp đôi năm ngoái từ 400 hồ sơ thì năm náy đến 776 hồ sơ. Bên cạnh đó, lượng hồ sơ vào sư phạm của các trường ĐH Đồng Tháp, ĐH Cần Thơ, ĐH Sài Gòn cũng đều tăng hơn.
Theo ông Triệu Tất Tứ, chuyên viên của phòng GDCN của Sở GD-ĐT tỉnh Long An cho biết hồ sơ vào trường ĐH Sư phạm TPHCM đứng hàng thứ 2 với 1.721 hồ sơ, xếp sau ĐH Nông lâm TPHCM với 1.932 hồ sơ.
Còn theo bà Thị Thu Kinh - phòng GDCN (Sở GD-ĐT Tây Ninh), mặc dù hồ sơ năm nay giảm nhưng số lượng đăng ký và sư phạm lại tăng. Cụ thể là học sinh của tỉnh đăng ký nhiều nhất là trường CĐ Sư phạm Tây Ninh với 1.382 hồ sơ, kế đến là ĐH Nông lâm TPHCM với 1.169 hồ sơ, vào ĐH Sư phạm TPHCM được 700 hồ sơ, tăng hơn năm 2013. Bà Thu Kinh cho rằng có lẽ học sinh cho rằng học sư phạm sẽ dễ kiếm việc làm hơn những ngành nghề khác.
Ông Nguyễn Đức Hoài - Trưởng phòng GDCN Sở GD-ĐT Ninh Thuận cho biết năm nay Sở nhận được 11.246 hồ sơ thì nhiều nhất là đăng ký vào hai trường ĐH Nông lâm TPHCM và Sư phạm TPHCM. Ông Hoài nhận định rằng điểm biến đổi của hồ sơ năm nay là thí sinh đăng ký thi Sư phạm đông với 752 hồ sơ.
Tương tự, ông Lâm Văn Quản - Trưởng phòng GDCN Sở GD-ĐT TPHCM cho biết năm nay học sinh có xu hướng chọn vào Sư phạm tăng. Trong đó, ĐH Sư phạm nhận được 5.193 hồ sơ (tăng hơn năm 2013), Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM cũng có tới 1.971 hồ sơ. Không như các địa phương khác đang bị dư thừa đội ngũ giáo viên, TPHCM lại đang rất cần giáo viên, nhất là giáo viên Mầm non. Việc học sinh đăng ký nhiều vào sư phạm theo ông Quản là một tín hiệu đáng mừng cho thành phố.
Theo Lê Phương (Dân trí)