Liên thông đại học ngày càng khó

 

Liên thông đại học ngày càng khó ảnh 1

Thí sinh dự thi vào ĐH Sài Gòn năm 2013. Với quy định mới về liên thông, từ năm 2013 trường này không tuyển sinh liên thông ĐH chính quy - Ảnh: Như Hùng

Năm 2013, lần đầu tiên áp dụng quy định tuyển sinh liên thông mới, kết quả thi tuyển của thí sinh tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng (thi ĐH) ở các trường thấp thê thảm. Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, 291 thí sinh dự thi liên thông chỉ có 45 thí sinh đạt điểm sàn. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có đến 483 thí sinh dự thi liên thông ĐH, đa số thi khối A1 và chỉ có 31 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên, trong khi lại có đến 354 thí sinh đạt từ điểm 10 trở xuống.

Cắt giảm chỉ tiêu

Thậm chí Trường ĐH Quy Nhơn chỉ có 5/90 thí sinh đạt điểm từ 13 trở lên. Trường ĐH Cần Thơ chỉ có 51 thí sinh đạt điểm sàn trong 292 thí sinh dự thi. Một trường ĐH khác cũng có đông thí sinh thi liên thông là Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM với 277 thí sinh. Trong số này chỉ có 56 thí sinh đạt điểm từ 13 trở lên. Đáng chú ý hơn, ở nhiều trường, rất nhiều ngành không có thí sinh liên thông nào trúng tuyển dù điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn.

Không chỉ vậy, đối với người đã tốt nghiệp đủ 36 tháng, cơ hội liên thông cũng khó khăn không kém bởi rất nhiều trường hủy bỏ kỳ thi liên thông do có quá ít thí sinh đăng ký dự thi. Các trường ĐH lớn với hàng chục ngàn thí sinh liên thông những năm trước như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Văn hóa Hà Nội... đều thông báo hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh liên thông ĐH năm 2013.

Theo lý giải của các trường, số lượng thí sinh đăng ký dự thi quá ít do nguồn tuyển không còn. Những thí sinh tốt nghiệp đã dự thi liên thông những năm trước trong khi thí sinh tốt nghiệp năm 2012, 2013 lại chưa đủ điều kiện dự thi. Theo đánh giá của các trường, tình hình năm 2014 cũng sẽ không khả quan hơn năm trước.

Điều này buộc các trường phải cắt giảm chỉ tiêu liên thông trong năm 2014 khiến con đường liên thông của người học vốn đã khó nay càng khó khăn hơn. Từ gần 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy các năm trước, năm nay Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cắt xuống chỉ còn vẻn vẹn 150 chỉ tiêu.

Đại diện phòng đào tạo nhà trường cho biết những năm trước chỉ tiêu liên thông được dồn cho chính quy nhưng năm 2013 tuyển sinh liên thông rất khó khăn do nguồn tuyển không có nên năm nay phần lớn chỉ tiêu liên thông được chuyển qua hệ vừa làm vừa học, cắt giảm mạnh chỉ tiêu chính quy. Trong khi đó, chỉ riêng chỉ tiêu liên thông ngành tài chính ngân hàng năm 2012 của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM là 450 thì năm 2013, chỉ tiêu liên thông của tất cả các ngành giảm xuống còn 300 và đến năm 2014 chỉ còn 200 cho tất cả các ngành.

Nên cho bảo lưu kết quả thi ĐH

Quy định mới về liên thông không chỉ tác động đến chính sách tuyển sinh của các trường ĐH mà các trường CĐ, trung cấp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong mùa tuyển sinh năm 2013. Người học thờ ơ với bậc học này bởi có học xong muốn học lên cũng phải chờ hoặc thi lại ĐH. Những bất cập trong quy định liên thông mới đã được các chuyên gia đề cập nhiều lần với nhiều giải pháp khác nhau.

Ông Đặng Văn Sáng - hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng TP.HCM - cho rằng nên cho phép thí sinh bảo lưu kết quả thi ĐH trong thời gian nhất định nếu chọn học bậc thấp hơn. Nếu đủ điểm sàn ĐH nhưng chọn học bậc CĐ, sau khi tốt nghiệp CĐ, sinh viên có thể dùng kết quả thi ĐH để liên thông mà không cần phải đủ điều kiện 36 tháng hay thi đầu vào bởi ngay từ đầu, thí sinh đó đủ điều kiện để học ĐH.

Tương tự, chỉ tiêu liên thông của Trường ĐH Hoa Sen năm 2012 là 450, đến năm 2013 giảm còn 240 và đến năm 2014 chỉ còn 70 chỉ tiêu cho 14 ngành đào tạo. Một trường ĐH khác có chỉ tiêu liên thông khá lớn là ĐH Cần Thơ. Nếu như năm 2013, chỉ tiêu liên thông cho đối tượng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng là 700 thì năm 2014 chỉ còn 300 chỉ tiêu. Chỉ tiêu liên thông chính quy đối với đối tượng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng tại ĐH Đà Nẵng cũng giảm mạnh. Nếu như năm 2013, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có đến gần 400 chỉ tiêu liên thông thì năm nay con số này chỉ vẹn vẹn có 28 chỉ tiêu cho 14 ngành đào tạo!

Dang dở việc học

Năm 2009, N.T.H. thi ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM được 17 điểm, không trúng tuyển bậc ĐH. H. xét tuyển nguyện vọng 2 bậc CĐ trường này và trúng tuyển. Với số điểm trên, H. có thể đậu ĐH ở nhiều trường ĐH khác nhưng H. đã quyết định xét tuyển bậc CĐ tại trường này với hi vọng có thể liên thông lên ĐH ngay tại chính ngôi trường mà mình yêu thích.

“Nếu chờ 1 năm nữa thi lại bậc ĐH, nếu trúng tuyển thì mất đến 5 năm trong khi học CĐ và liên thông ĐH chỉ mất 4,5 năm. Thế nên tôi quyết định học CĐ mà không chờ đến năm sau thi lại để tránh lãng phí một năm học” - H. cho hay. Năm 2013, H. tốt nghiệp và mong muốn liên thông ĐH tan vỡ khi vướng qui định tốt nghiệp đủ 36 tháng mới được liên thông ĐH, nếu chưa đủ phải thi kỳ thi tuyển sinh ba chung. H. tham gia thi ĐH một lần nữa nhưng không trúng tuyển.

Không chỉ những người chuẩn bị thi, ngay cả những sinh viên đã trúng tuyển liên thông chính quy cũng gặp rất nhiều khó khăn với quy định mới này. Tốt nghiệp Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, tháng 6-2012 H.H.Đ. dự thi liên thông ĐH ngành quản trị kinh doanh hệ chính quy tại Trường ĐH Sài Gòn và trúng tuyển. Sau khi học được ba tháng, Đ. nhận được lệnh nhập ngũ và tháng 9-2012 Đ. làm thủ tục bảo lưu để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Tháng 1-2014, Đ. xuất ngũ và đến trường làm thủ tục học tiếp thì được trường thông báo chuyển qua học hệ vừa làm vừa học. Đ. thắc mắc thì được trường giải thích vì trường không còn tuyển sinh liên thông hệ chính quy nên không có lớp để xếp vào. Đ. cho biết không học hệ vừa làm vừa học mà sẽ tiếp tục ôn để thi liên thông chính quy ở trường khác.

Ông Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - cho biết năm 2012, trường tổ chức thi liên thông chính quy. Tuy nhiên, năm 2013 trường không tổ chức liên thông chính quy mà chỉ có liên thông hình thức vừa làm vừa học. Sinh viên đã làm thủ tục bảo lưu nghĩa là trường đảm bảo kết quả trước đó được công nhận và sinh viên có thể tiếp tục theo học sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, do năm 2013 không có lớp liên thông chính quy nên trường không thể bố trí cho sinh viên theo học hình thức chính quy được mà phải chuyển qua hình thức vừa làm vừa học.

Theo MINH GIẢNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm