Ký ức về loài chúa sơn lâm
Câu chuyện loài chúa sơn lâm về làng bắt lợn, bắt gà, bắt luôn cả người rồi tha vào rừng ăn đến nay vẫn được nhiều cụ cao niên ở thôn Thia, xã Yên Mông (TP.Hòa Bình, Hòa Bình) kể lại.
Trong một chuyến công tác lên xã Yên Mông, tôi được nhiều người dân địa phương kể về một khu rừng mà đến nay, khi nhắc đến nhiều người vẫn toát mồ hôi hột. Người dân địa phương gọi khu rừng đó là rừng Bui hay đồi Bui thuộc thôn Thia. Ở giữa đồi Bui có một cái hang đá, người xưa gọi là hang Khá, hang Khái, nay gọi là hang “cọp ăn người”.
Theo bà Nguyễn Thị Di (77 tuổi), sỡ dĩ gọi như vậy vì trước đây, hang này là nơi trú ngụ của loài hổ, khi bắt được mồi chúng thường tha về hang, ăn no nê rồi lại đùa giỡn, gầm rú. Ở đây, có một con hổ rất lớn, mỗi lúc nó về làng ai cũng khiếp sợ, chính con hổ này đã bắt đi rất nhiều gà, lợn và đoạt mạng nhiều người dân trong vùng.
Kể là vậy nhưng khi nhờ người dẫn đường lên hang cọp thì không phải ai cũng dám nhận lời. Cuối cùng, tôi mới được ông Dương (54 tuổi, một người dân địa phương) đồng ý dẫn đường. Đường lên hang cọp cây cối um tùm, bí hiểm. Trời đổ mưa phùn, gió rít từng cơn, lâu lâu tiếng chim vỗ cánh bay vội ra khỏi lùm cây khiến chúng tôi giật mình, mặt tái mét.
Hang cọp nằm chính giữa đồi Bui. Ông Dương bảo, trước hang cọp sâu khoảng 3m, nằm dưới tảng đá vôi, bề ngang chừng 2m, khi loài hổ bị đánh đuổi, một số người dân ở các nơi kéo đến khai thác đá vôi nên hang cọp giờ chỉ còn sâu khoảng 1m, trong hang đá lô nhô, gồ ghề. “Mới đến khai thác đá vôi được một thời gian thì không thấy họ đâu, họ bỏ về vì ít đá vôi hay đi nơi đâu cũng không ai biết được. Rất ít người dám đến gần cái hang này. Giờ cả đồi Bui được phát hết để trồng keo nhưng xung quanh hang cọp thì không ai dám đụng đến”, ông Dương nói.
Tôi tìm đến UBND xã Yên Mông gặp ông Hà Văn Thiểm - Chủ tịch UBND xã. Ông bảo, cũng có nghe các cụ ngày xưa kể lại, vì lãnh đạo xã toàn thế hệ trẻ nên không ai tận mắt thấy được loài chúa sơn lâm này, ông Thiểm giới thiệu tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Muộn (79 tuổi, trú thôn Thia), là một cựu chiến binh có công lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm, hội viên hội người cao tuổi.
Ông Muộn người chính gốc ở thôn Thia, nhà nằm dưới chân đồi Bui, cách hang cọp ăn người chỉ khoảng 800m đường chim bay. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Tuổi thơ của ông gắn với nỗi ám ảnh về đạn bom, về loài cọp ăn người. Như lục lại từng dòng kí ức, ông Muộn nhìn xa xăm về hướng đồi Bui rồi bảo: “Thời đó, cứ vào những khoảng thời gian từ 4h sáng đến 7h sáng, 12h trưa đến 13h chiều, từ 16h chiều đến 2h sáng, người dân ở đây từ già đến trẻ không ai dám bén mảng ra đường. Có ra đường thì dăm bảy người cùng đi, chứ đi một mình loài cọp nó vồ liền. Cứ vồ được mồi nó tha hết về hang khái ở đồi Bui để ăn, ăn xong rồi gầm rú, gào thét. Suốt một thời, không ai dám đi ngang qua đồi Bui vì sợ hổ ăn thịt”.
Thôn Thia trước đây cực kỳ heo hút, hoang vắng, cả thôn chỉ có 13 hộ gia đình ở rải rác dưới chân đồi Bui, bao bọc xung quanh là đồi núi chập chùng, cây cối um tùm, hổ báo đầy rẫy. Loài hổ thường xuyên tìm về làng để săn mồi, hết bắt gà, bắt lợn, rồi bắt luôn cả người. Trong trí nhớ của ông Muộn, con hổ thường xuyên về làng có màu vàng, vện đen, cao một thước, dài khoảng hơn một sải tay người lớn, nhìn rất oai vệ. Mỗi lúc nó về làng, ai nấy đều chạy lên nhà sàn, chốt kín cửa rồi đánh trống dọa hổ, đồng thời cũng báo hiệu cho những nhà xung quanh là có hổ về làng. Nhiều lúc nó nằm trong một bụi cây cạnh đường mòn để đợi người qua lại.
“Khoảng năm tôi lên 10 tuổi, khi vừa ăn cơm tối xong, bố tôi ra rào lại cổng cho thật chặt để đi ngủ, đang rào thì con hổ vàng từ đâu lao tới gầm gừ, dọa dẫm, nó đói quá nên đòi vồ lấy bố tôi. Bố tôi vớ lấy chiếc gậy phang vào người nó một phát rồi hoảng hốt chạy xộc vào nhà. Sợ hổ trả thù, đêm hôm đó cả nhà tôi không ai dám ngủ để canh hổ. Chuyện hổ vàng về bắt gà, bắt lợn xảy ra như cơm bữa, ngày nào cũng có. Có hôm giữa trưa, đang ngồi trên sàn nhà ăn cơm, thấy nó bước từng bước chắc chắn, oai vệ đi ngang trước cửa”, ông Muộn nhớ lại.
Ông Nguyễn Văn Muộn kể lại câu chuyện ly kỳ cho phóng viên. |
Cả làng đánh trống, khua chiêng giành giật người phụ nữ với cọp vàng
Cho đến nay, dù loài hổ không còn ở đồi Bui nữa, nhưng câu chuyện cả làng khua chiêng, đánh trống dọa dẫm hổ vàng để giành giật thi thể một cô gái vẫn ám ảnh ông Muộn. Trong trí nhớ của ông, câu chuyện buồn đó xảy ra khi ông mới chỉ hơn 8 tuổi, sau này ông cũng được bố mẹ kể đi, kể lại rất nhiều lần để răn dạy con cháu về cách đề phòng hổ ăn thịt.
Theo ông Muộn, hôm đó khoảng 12h trưa một ngày giữa tháng 6, mặt trời đứng bóng. Sau khi ra ruộng gặt lúa với bố mẹ về, cô gái khoảng ngoài 30 tuổi, là con gái một người họ hàng của bố ông Muộn, chưa chồng, chưa con. Chị đội nón, mang theo dao đi lên rừng để hái bông về dệt vải. Vừa bước ra khỏi cửa, đang quay lưng lại rào cổng, đề phòng hổ vào nhà bắt trộm gà, lợn, bất ngờ cô gái hét toáng lên, khóc thảm thiết.
Nghe tiếng kêu cứu, mọi người chạy ra, thấy con hổ vàng to lớn đang cắn chân cô gái lôi vào rừng. Cả xóm nhanh chóng mang theo dao rựa, trống, chiêng, kèn, gậy gộc chạy theo để cứu cô gái xấu số. Vì thời điểm đó, cây cối um tùm, rậm rạp nên chạy được một lúc thì không thấy cô gái và con hổ vàng đâu. Lần tìm theo vết máu, cuối cùng, người dân thôn Thia tìm đến khu đất trống ở giữa đồi Bui, trước mắt họ là cô gái đã mất phần chân, phần mông, úp mặt xuống đất, máu chảy thành vũng. Tưởng không bị phát hiện, ăn no nê con hổ vàng leo lên mô đất cạnh đó nằm ngủ, nghe tiếng trống, chiêng đánh vang rừng nó giật mình tỉnh dậy, chạy đến cạnh cô gái gầm gừ, dọa dẫm, nhăn nanh, múa vuốt không cho ai tiếp cận cô gái xấu số.
Phải đến lúc người dân thôn Thia vừa đánh trống, vừa la hét, dọa dẫm và chất củi đốt một đống lửa to, con hổ mới chịu bỏ chạy để người thân đưa cô gái xấu số về mai táng. Lúc chôn cất, bố cô gái phải cho người đào mộ thật sâu đề phòng hổ đói tìm đến bới xác. “Sau cả giờ đồng hồ chiến đấu, con hổ mới chịu trả lại thi thể cô gái. Trước đó, bố mẹ tôi cũng có kể lại, ở vùng đất xung quanh khu đồi này, có rất nhiều người bị hổ ăn thịt, có người bị hổ ăn vì đi một mình, có người bị hổ cắp vì ngủ không chốt cửa, người tìm thấy một phần xác nhưng cũng có người mất tích luôn. Đến giờ, mỗi lúc kể lại cho con cháu nghe, tôi vẫn còn thấy sợ”, ông Muộn chia sẻ.
Về sau, lợn, gà ngày càng bị mất nhiều hơn, để đối phó với loài hổ, người dân thôn Thia và những thôn lân cận bàn nhau mang theo kèn trống, lửa lên hang cọp để đốt và đánh đuổi đàn cọp. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, loài hổ lại quay về hang đồi Bui để kiếm ăn. “Lần đó vào hang cọp, các cụ cao niên, thanh niên trai tráng mang về rất nhiều xương mà không biết đó là xương người hay xương lợn. Mãi đến sau này, khi đất nước giải phóng, dân quân được trang bị súng để bảo vệ người nên loài hổ cũng sợ mà đi mất. Lâu lâu, chúng tôi vẫn hay kể lại cho con cháu nghe về loài hổ mà giờ chỉ có xem tivi hay vào vườn thú mới thấy được”, ông Muộn nói.
Theo CẨM THIÊN (Lao Động)