Cuối tháng 10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã gửi tờ trình lên UBND TP về dự thảo kế hoạch học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.
Theo đó, việc mở cửa trường học sẽ tương ứng với cấp độ dịch của từng địa phương. Những địa bàn nào có cấp độ dịch 1, 2 sẽ được tổ chức dạy học trực tiếp.
Đối với mầm non, thời gian đầu chỉ nhận giữ trẻ một buổi, không ăn sáng, không bán trú; chia đôi lớp và bố trí lệch buổi. Sau mỗi tuần, Phòng GD&ĐT sẽ đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần (tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp).
“Học một buổi tôi thà cho bé ở nhà”
Có con đang học tại Trường Mầm non Sóc Nâu, quận Gò Vấp, chị TN cho biết suốt mấy tháng dịch, bé ở nhà hoài cũng chán. Tuy nhiên, nếu trường chỉ tổ chức học một buổi thì tốt nhất cho bé ở nhà. “Con đi học nửa buổi rồi đón về sẽ rất vất vả cho phụ huynh chúng tôi. Cho nên tôi sẽ chờ bao giờ con được học bán trú mới cho đến trường” - chị N nói thêm.
Chồng là bộ đội xa nhà, lại đang mang bầu bé thứ hai, mấy tháng con nghỉ học vì dịch, chị Nguyễn Thành tuy ở nhà nhưng vẫn làm việc online. Chị cảm thấy may mắn khi gửi được con gái cho hàng xóm trông giùm với chi phí 1,6 triệu đồng/tháng. “Biết tin TP đang tính toán mở cửa lại trường học khi điều kiện đảm bảo an toàn, tôi vui lắm vì khi được đến trường, con sẽ được học và tham gia nhiều hoạt động bổ ích khác. Tuy nhiên, nếu trường chỉ học một buổi, không ăn sáng thì sẽ gây khó khăn cho phụ huynh. Công việc của tôi rất bận rộn, tôi không thể đón con về vào mỗi buổi trưa. Chưa kể thời tiết nóng nực, đưa đón trẻ rất bất tiện” - chị Thành bày tỏ.
Trong khi đó, chị Kim Hằng (quận Gò Vấp) có bé trai hai tuổi vẫn mong con đến trường dù chỉ học một buổi. “Những quy định này sẽ làm khó đối với nhiều phụ huynh khác, còn gia đình tôi do có ông bà nội đưa đón nên không ảnh hưởng gì. Việc không tổ chức ăn sáng, học một buổi có thể chỉ diễn ra trong thời gian đầu để các trường nắm tình hình. Tôi vẫn mong bé sớm được đến trường để có thể vui chơi cùng bạn bè, thầy cô sau một thời gian dài phải quanh quẩn trong nhà vì dịch bệnh” - chị Hằng chia sẻ.
Nên tổ chức bán trú, cho lớp lá đi học trước
Nghiên cứu kỹ về những quy định trong dự thảo về việc tổ chức đi học trực tiếp ở trường mầm non, bà Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đào, quận Gò Vấp, cho biết không khả thi.
Đặc thù của lứa tuổi mầm non, trẻ cần được ăn sáng và tổ chức bán trú, như vậy cha mẹ mới yên tâm làm việc. Với quy định học một buổi, buổi trưa phụ huynh sẽ phải chạy về đón con trong khi công việc của nhiều người không cho phép điều đó, chưa kể đón con về sẽ gửi cho ai để chiều tiếp tục công việc.
“Nếu trường công không thể giữ buổi chiều, họ sẽ tìm gửi nhà người quen, hàng xóm trong khi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như chế độ chăm sóc đều không đảm bảo” - bà Vân nói thêm.
Trường Mầm non Anh Đào, quận Gò Vấp được trưng dụng làm điểm tiêm vaccine cho học sinh từ 12 đến 17 tuổi. Ảnh: NTCC
Bà Vân cũng cho biết việc không tổ chức ăn sáng cũng bất cập. Vấn đề này đã từng gặp phải từ những đợt dịch trước. Do con không được ăn sáng, sợ trễ giờ làm, nhiều phụ huynh mua tạm bánh mì và xôi cho tiện. Tuy nhiên, với lứa tuổi này, các con cần phải ăn đồ nước, chưa kể bản thân các cô cũng phải giám sát các con trong quá trình ăn, có gì còn xử lý.
“Nếu cho rằng đi học một buổi sẽ hạn chế được tình trạng lây nhiễm của dịch COVID-19, như thế là sai lầm. Bởi với dịch này, chỉ cần tiếp xúc đã nhiễm rồi. Vì thế, nếu chỉ cho trường tổ chức học một buổi, phụ huynh thà cho con ở nhà. Do đó, dự thảo này vẫn còn bất cập, nên xem xét lại” - bà Vân bày tỏ.
Đồng quan điểm, bà Phùng Thị Ngọc Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ, quận 8, thừa nhận việc không tổ chức ăn sáng, bán trú đối với trẻ mầm non rất bất cập.
Liên quan đến phương án chia đôi, tổ chức học lệch buổi, bà Hiền cho biết điều này muốn thực hiện tốt cần phải có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Về phương án mở cửa lại trường học, bà Vân cho rằng khi TP đã quyết định đón trẻ, tức là đảm bảo các vấn đề về an toàn. Hơn nữa, các trường đều phải đáp ứng các điều kiện trong bộ tiêu chí đánh giá an toàn. Do đó, nếu cho trẻ đi học lại nên tổ chức bán trú để tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm công tác. Để đánh giá tình hình, có thể tổ chức trước cho học sinh lớp lá rồi mở dần các khối lớp khác.
Trường học khảo sát lấy ý kiến phụ huynh về việc trẻ đi học lại Thời điểm này, các trường đang thực hiện khảo sát lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ đi học trở lại. Bà Hiền cho biết trường đã thực hiện xong khảo sát. Với mốc thời gian chọn lựa tháng 11, tháng 12 và tháng 1-2022, gần 80% phụ huynh của trường đồng ý cho con đi học từ tháng 1-2022. Tương tự, tại Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đã lấy ý kiến về thời gian trẻ trở lại trường. Trong đó, 0,6% phụ huynh đồng ý tháng 11, 6,1% phụ huynh đồng ý tháng 12, 76,63% phụ huynh đồng ý cho trẻ đi học tháng 1 và tháng 2-2022. Một số ý kiến khác cho rằng họ chưa yên tâm khi tình hình dịch bệnh vẫn còn trong khi các bé vẫn chưa được tiêm vaccine. |