UBND TP.HCM đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học. Theo đó, ngày 1-9, học sinh (HS) bậc THCS, THPT và giáo dục thường xuyên sẽ làm quen lớp, thầy cô mới, củng cố kiến thức. Từ ngày 6-9, các em bắt đầu năm học mới với hình thức học trực tuyến.
Gấp rút triển khai
Khác với bậc tiểu học, bậc trung học, do các em đã có thể tự giác học tập nên việc thực hiện dạy trực tuyến ngay từ đầu năm học được dự đoán không gặp nhiều khó khăn.
Ông Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp, cho biết nhà trường đang thực hiện khảo sát phụ huynh về việc dạy học trực tuyến. Trường sẽ sử dụng phần mềm K12online cho việc học.
“Phần mềm này hay ở chỗ HS có thể xem lại bài học khi rảnh rỗi. Do đó, trường quy định giáo viên có thể dạy qua ứng dụng Zoom hoặc Google Meet nhưng vẫn phải up bài lên K12online để các em theo dõi” - ông Đức nói.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là trường vẫn chưa tuyển sinh xong lớp 6. Theo danh sách ban đầu, sẽ có 650 HS nhập học nhưng đến thời điểm này mới có 480 em đăng ký qua online. Trường đang nhờ địa phương rà soát, hỗ trợ thêm để tuyển sinh cho đủ số lượng.
“Năm nay các em lớp 6 sẽ sử dụng sách giáo khoa (SGK) mới, học chương trình mới. Vì thế, thời gian này, với số lượng HS đã đăng ký, nhà trường đã chia lớp. Giáo viên lập group Zalo liên hệ với phụ huynh, HS thông báo việc học để các em làm quen và gửi đường link sách điện tử để các em nghiên cứu” - ông Đức bày tỏ.
Còn cô Võ Kim Hiệp, giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, bày tỏ: HS lớp 6 còn bỡ ngỡ với chương trình SGK mới, có nhiều môn học hơn và cách học theo từng môn trong một buổi nên chắc chắn các em chưa quen, chưa thể bắt kịp. Cho nên giáo viên phải có một buổi hướng dẫn và tập cho các em làm quen với cách học trên máy tính. Ở những buổi học sau các em sẽ thành thạo hơn và tham gia lớp học trực tuyến sẽ tốt hơn.
Các trường THPT vừa kết thúc tuyển sinh vào lớp 10 nên đang gấp rút cho HS đăng ký nhập học.
Thời điểm này, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức đang đăng ký nhập học online. Trường cũng cho phép HS đăng ký học chung lớp với điều kiện học cùng ban. Ngày 1-9, nhà trường sẽ công bố danh sách lớp và giáo viên chủ nhiệm, đồng thời gửi tài khoản Microsoft Teams cho HS để chuẩn bị học trực tuyến. Ngày 3-9, giáo viên sẽ họp lớp đầu năm để triển khai một số vấn đề. Ngày 6-9, HS bắt đầu năm học mới. Do thực hiện nhiều và có nền tảng trước đó nên việc dạy online tại trường không có trở ngại gì.
Trường THCS - THPT Thạnh An là trường học duy nhất ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, phần nhiều HS tại trường đều có hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Bảo Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có khoảng 10% (40 HS) ở ấp Thiềng Liềng rất khó tiếp cận với việc học online. Bởi khu vực này khó kết nối mạng, sóng Internet yếu hoặc không có sóng. Đối với những em này, rất khó có thể tham gia học.
Chưa kể năm nay HS lớp 6 sẽ học chương trình mới. Thầy trò chưa gặp nhau, khó khăn chồng chất nhưng trong tình hình này, trường sẽ cố gắng triển khai và từng bước khắc phục khó khăn. Trường sẽ có thống kê và kiểm soát việc HS tham gia học online để từ đó có hướng phụ đạo khi HS đi học trở lại.
Cô Võ Kim Hiệp, giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đang soạn kế hoạch dạy học trực tuyến. Ảnh: KH
Đề xuất không thu học phí học kỳ 1 Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, buộc năm học 2021-2022 phải thực hiện dạy - học trên Internet, Sở GD&ĐT đã có tờ trình đề xuất UBND TP giãn thời gian thu học phí, cụ thể là tạm không thu học phí học kỳ 1. Nội dung này đang chờ chỉ đạo từ Thường trực UBND TP. |
Học sinh không thể đến trường có thể làm kiểm tra trực tuyến
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng vừa có văn bản về việc hướng dẫn dạy học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
Theo Sở GD&ĐT, việc dạy học trực tuyến phải được thực hiện theo các chủ đề. Nhà trường xây dựng thời gian biểu dạy học phù hợp, thông báo lịch học, lịch tương tác với giáo viên phụ trách đến HS và phụ huynh HS.
Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của HS trong quá trình học tập trực tuyến. Cụ thể, qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, các bản báo cáo quá trình học tập của HS, các bài thu hoạch sau các khóa học của HS.
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ và kiểm tra lại kết quả học tập của HS được thực hiện trực tiếp tại nhà trường theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trong trường hợp HS không thể đến trường tại thời điểm kiểm tra, đánh giá vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ có thể được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Khi thực hiện bằng hình thức trực tuyến, hiệu trưởng quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan.
Các trường cần đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp HS củng cố, bổ sung kiến thức.
Hỗ trợ học sinh gặp khó khăn khi học online Đối với những HS gặp khó khăn khi học trên Internet, Sở GD&ĐT TP.HCM đã chỉ đạo nắm thông tin từng phụ huynh, tùy theo điều kiện cụ thể để có sự hỗ trợ phù hợp, giúp HS thuận lợi hơn trong học tập. Cụ thể, kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị cho HS; gửi các phiếu học tập, tài liệu giấy… để HS tự ôn tập thêm. Những HS này cũng sẽ được đánh giá, kiểm tra và tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp để bù đắp những hạn chế gặp phải. Cũng theo Sở GD&ĐT, việc phân phối SGK đến phụ huynh gặp nhiều khó khăn. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn phụ huynh đăng ký cho nhà trường, xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương bố trí thời gian nhận SGK phù hợp, lộ trình đảm bảo phòng chống dịch. Bên cạnh đó, đã cung cấp bản điện tử SGK từ lớp 1 đến lớp 12 trên Internet và thông tin đến tất cả phụ huynh biết để tạm sử dụng trong thời gian đầu còn khó khăn. |