Giáo sư Nguyễn Tấn Phát: Đã chọn nghề giáo đừng nghĩ là "nhà giào!”

(PLO)- Hơn 60 năm công tác trong ngành, GS-TS Nguyễn Tấn Phát cho rằng cuộc sống của nhà giáo thời nào cũng cực, nhưng với ông “cảm thấy đủ là đủ”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 (1982-2022), PLO đã có buổi thăm và được lắng nghe những chia sẻ đặc biệt về nghề giáo của GS-TS Nguyễn Tấn Phát.

Thà ra công trường vác đá còn hơn theo sư phạm!

Từng là một người bất mãn vì phải theo học sư phạm nhưng GS-TS Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1944) đã có gần 60 năm gắn bó với ngành giáo dục.

Quê của ông ở tỉnh Tiền Giang. Ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục như Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT.

Ông cho biết ông xuất thân là một người đam mê nghiên cứu văn học, viết văn. Ông từng thi vào Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1964 về lĩnh vực văn học nhưng khi vào học được vài tháng, ông lại bị định hướng chuyển sang sư phạm. Điều này khiến ông rất bất mãn, thất vọng vì ông cảm thấy ngành sư phạm nhạt nhòa, buồn tẻ khi chỉ “sáng xách giáo án lên chiều xách về”, thiếu động lực để sáng tạo, trong khi ông thích lĩnh vực xông xáo, đi đây đi đó.

“Thậm chí, khi có cán bộ của trường xuống hỏi thăm nguyện vọng và dọa nếu ai không theo sư phạm thì sẽ bắt ra công trường vác đá. Nghe vậy, ai cũng sợ nhưng tôi chấp nhận ngay vì tôi xông pha ra ngoài, đi vác đá cũng được miễn là không phải học sư phạm” – ông nhớ lại.

Nhưng sau đó, khi được gặp Bác Hồ trong một chuyến Bác đến thăm trường, ông hiểu được chủ trương của nhà nước muốn tăng cường lực lượng nhà giáo phục vụ cho miền Nam, ông bắt đầu tập trung học, để rồi năm nào cũng đạt kết quả giỏi.

Dần dần gắn bó, ông thấy sư phạm cũng đòi hỏi sự sáng tạo rất nhiều.

“Nếu mình có tâm huyết, mong muốn bài giảng đến với học trò hay hơn thì phải sáng tạo thiết kế giáo án, phải luôn cập nhật những cái hay, cái mới, gắn với thực tế, mình phải tin vào những điều mình dạy thì học trò mới thích” – ông quan niệm.

Ra trường, GS-TS Nguyễn Tấn Phát bị “sốc” thêm một lần nữa khi được phân công giảng dạy không theo thế mạnh của ông là Văn học Tây phương mà phải dạy cho lớp tân sinh viên, tức là dạy bắt đầu từ văn học dân gian như thần thoại, cổ tích, ca dao, dân ca….nhưng rồi vì phân công, ông cũng đành phải chấp nhận.

Và dần dần đi dạy, ông lại phát hiện ra nhiều cái hay về văn học dân gian nên dành nhiều thời gian nghiên cứu ca dao dân ca các vùng miền, cải tiến giáo án, đi thực tế….

Về sau, ông luôn biết ơn giai đoạn này đã giúp ông gắn bó với nghề giáo, hỗ trợ nhiều cho ông trong quá trình nghiên cứu, sáng tác văn học.

GS-TS Nguyễn Tấn Phát say sưa ôn lại hành trình nghề giáo của mình. Ảnh: PHẠM ANH

GS-TS Nguyễn Tấn Phát say sưa ôn lại hành trình nghề giáo của mình. Ảnh: PHẠM ANH

Khổ nhưng cảm thấy đủ là đủ

Ở tuổi 78 hiện nay, GS-TS Nguyễn Tấn Phát nhìn nhận rằng mỗi thời đại, vai trò của nhà giáo đều có những ưu, khuyết điểm, có cái hay và những cái dở khác nhau. Chỉ khác nhau là ngày xưa không có công nghệ thông tin nên không có sự lan tỏa hay lên án mạnh mẽ như ngày nay.

Ví dụ, thời nhỏ đi học, ông từng ám ảnh khi chứng kiến bạn mình vì ngồi học mà nhìn ra cửa sổ nên bị thầy giáo bắt quỳ trước lớp và còn phải đội sọt rác lên đầu. Thầy còn yêu cầu bạn phải nhìn xuyên qua các khe của sọt rác quan sát xem có bạn nào nhìn ra ngoài, nếu phát hiện được sẽ được về chỗ vì bạn khác vào phạt thay.

Và bản thân ông cũng bị thầy giáo dùng roi đánh vào chân đến phát khóc nức nở vì ông lội sình trong buổi kiểm tra vệ sinh chân tay. Đến nỗi, ông từ đó không dám đi học và phải chuyển trường.

So sánh với hiện nay, GS-TS Nguyễn Tấn Phát cho rằng ngày nay, vai trò của nhà giáo đã thay đổi về nhận thức, theo hướng tiến bộ hơn nhiều cùng với sự phát triển của xã hội. Người thầy không còn là nhất nhất đúng như xưa mà là người hướng dẫn, thúc đẩy học trò đi đúng hướng trên tinh thần tôn trọng học trò, phát hiện và khắc phục những yếu điểm hoặc phát huy thế mạnh của học trò.

“Nhà giáo phải biết phương pháp giảng dạy đi vào lòng học sinh là đi bằng tình thương, sự thấu hiểu học trò. Ngay cả với những em hiếu động, thầy cô cũng cần hiểu tính hiếu động đó ở mức độ nào để có phương pháp phù hợp để chuyển biến học trò” – GS Tấn Phát bày tỏ.

Tuy nhiên, sau hơn 60 năm công tác trong ngành giáo dục, từ giảng viên đến nhiều vị trí quản lý, GS-TS Nguyễn Tấn Phát cho rằng dù ngày nay cải thiện hơn nhưng nhìn chung nghề giáo rất cực. Như ông, ám ảnh nhất là cảnh phải chấm bài cho học trò vì nếu tâm huyết thì quá vất vả, còn nếu chấm qua loa cho xong thì học trò sẽ thiệt thòi.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cuộc sống nhà giáo còn khổ vì thu nhập hạn chế.

Như thời của ông công tác, ông đã chứng kiến nhiều nhà giáo bỏ nghề để đi làm việc khác vì để có thêm thu nhập tốt hơn lo cho gia đình. Nhiều đơn vị trường học mâu thuẫn nội bộ, mất đoàn kết….

“Riêng bản thân tôi thì do chịu khổ quen rồi nên tôi cứ mải mê tập trung công việc. Tôi tập trung làm việc đến nỗi không biết lương tôi tháng bao nhiêu. Với tôi, dù đây là lĩnh vực tôi không đam mê nhưng được giao phó là sẽ làm việc hết bằng cả trách nhiệm, tình thương với đồng nghiệp, với học trò. Tôi nghĩ cảm thấy đủ là sẽ đủ, ngay cả khi nhận được quà tặng, tôi báo cáo cấp trên, được cho phép mới nhận” – GS-TS Nguyễn Tấn Phát nói.

Tuy là vậy nhưng ông chia sẻ rằng phải đến khi ông được tín nhiệm làm vị trí quản lý mới thấy giảm gánh nặng công việc hơn. Và đến khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông mới thấy được "giải phóng" thực sự để được là dân thường, sống đúng với đam mê của mình với văn học.

Từ sự nghiệp của bản thân, GS-TS Nguyễn Tấn Phát mong ai đã chọn nghề giáo thì đừng nghĩ đó là nhà giào (giàu –PV). Tuy nhiên, theo ông, giáo dục có vị thế quan trọng, đi theo xu thế tiến bộ nên cũng cần có những giải pháp tổng thể để nâng cao thu nhập cho nhà giáo, ít ra họ phải ở mức khá vì dù gì họ cũng là tri thức.

Bên cạnh đó, ông tâm tư: “Nhà giáo cũng là con người, cũng có lúc sai, lúc đúng, lúc hay lúc dở, cho nên xã hội cần có cái nhìn thoáng hơn với nhà giáo, thấu hiểu hơn và cùng góp ý để cùng thay đổi cách hành xử, tất cả cũng vì xã hội ngày một tốt hơn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm