Giới siêu giàu Trung Quốc khuấy đảo bóng đá châu Âu

Lâu lắm rồi các milanista, những cổ động viên của câu lạc bộ (CLB) AC Milan, mới chứng kiến một kỳ chuyển nhượng điên rồ như mùa hè năm nay. Một cuộc thay máu đội hình dữ dội đang diễn ra tại AC Milan, chi hơn 182 triệu euro mang về 10 gương mặt mới đầy triển vọng. Giấc mơ tìm lại ánh hào quang của các milanista đang được hà hơi sống lại nhờ vào làn gió đầu tư mạnh tay đến từ Trung Quốc (TQ).

Người TQ hồi sinh thành Milan

Liên tiếp các thương vụ lớn nhỏ từ đầu mùa hè đến nay đã được đội chủ sân San Siro hoàn tất rốt ráo. Gần đây nhất là hai vụ đàm phán cầu thủ làm rung chuyển cả giải đấu hàng đầu nước Mỹ: “Siêu hậu vệ” Bonucci rời kình địch Juventus để đến với thành Milan và thủ môn trẻ “sáng” nhất nước Ý hiện tại Gianluigi Donnarumma quay 180 độ đồng ý ở lại với đội bóng đỏ-đen. Milan chắc chắn vẫn chưa muốn dừng lại. Danh sách các mục tiêu chuyển nhượng của CLB giàu thành tích nhất nhì đất nước hình chiếc ủng vẫn còn đó những cái tên “khủng” hàng đầu châu Âu: Morata, Aubameyang, Belotti, Renato Sanches. Chỉ cần một trong những cái tên đó cập bến thành Milan thôi cũng đủ để các cổ động viên CLB này phát rồ.

“Cơn điên” mua sắm của Phó Chủ tịch CLB Adriano Galliani cùng HLV trưởng Vincenzo Montella có lẽ sẽ khó trở thành hiện thực nếu trước đó ba tháng, thương vụ đổi chủ sở hữu AC Milan không được tiến hành trót lọt. Sau hai lần trì hoãn, cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi vào tháng 4-2017 đã hoàn tất việc bán lại AC Milan cho hai nhà đầu tư TQ Yonghong Li và Han Li, chấm dứt ba thập niên sở hữu “gã khổng lồ” của bóng đá Ý. Tập đoàn đầu tư Rossoneri Sport Investment Luxembourg, đứng đầu bởi ông Yonghong Li, cuối cùng đã chi ra hơn 740 triệu euro để mua lại 99,9% cổ phần sở hữu AC Milan. Gần một nửa số tiền này được Yonghong Li vay lại từ tập đoàn đầu tư mạo hiểm Elliott Management, có trụ sở tại New York (Mỹ), theo Reuters.

Ban lãnh đạo mới của AC Milan gồm Li David Han (trái), Chủ tịch và là người sở hữu CLB Yonghong Li (giữa) và CEO Marco Fassone. Ảnh: GETTY

Nước Ý trông chờ TQ

Các ông chủ giàu có từ TQ đang có sức ảnh hưởng ngày một lớn với làng túc cầu nước Ý. Inter Milan, người anh em và cũng là kình địch cùng TP của AC Milan, từ năm 2013 đã thuộc về nhà đầu tư Indonesia Erick Thohir (International Sports Capital HK, trụ sở tại Hong Kong) từ năm 2013 và sau này là chuyền tay qua Sunning Groups (TQ). Theo một báo cáo của Reuters vào tháng 4-2017, giải bóng đá Seria A đang muốn bán hẳn một gói bản quyền truyền hình riêng cho TQ với hy vọng tối đa hóa lợi nhuận.

Dù các giới lãnh đạo Serie A từ chối bình luận, nhiều nguồn tin cho biết giải đấu này đang trông chờ vào doanh thu bản quyền truyền hình tại nước ngoài, đặc biệt là tại TQ, để gỡ gạc các khoản hụt tài chính. Không chỉ vậy, đợt đấu giá bản quyền truyền hình 2018-2021 của Serie A cũng sẽ được dẫn dắt bởi nhà tư vấn và bảo hộ truyền thông của giải là Infront Sports & Media - trực thuộc tập đoàn khổng lồ TQ Dalian Wanda. Hãng này cũng cam kết sẽ mang về cho giải đấu hàng đầu nước Ý gần 1 tỉ euro cho gói phát sóng 2018-2021 với bản quyền chiếu tại nước ngoài tăng doanh thu gần 50%, theo Reuters.

Ông Tập Cận Bình chụp ảnh cùng cầu thủ CLB Manchester City trong chuyến công du tháng 10-2015. Ảnh: TWITTER

Tham vọng lớn

Sau làn sóng đồng rúp của các đại gia Nga, đồng USD của những tỉ phú Mỹ, tiền dầu mỏ của những thiếu gia Ả Rập, giờ đây đến đồng nhân dân tệ và giới siêu giàu TQ đổ bộ vào thị trường bóng đá chuyên nghiệp tại châu Âu. Theo các số liệu của hãng phân tích đầu tư thể thao Blackridge Cross Borders, trước thương vụ đình đám AC Milan, các nhà đầu tư TQ đã vung ra gần 2,1 tỉ euro để mua lại cổ phần từ 23 CLB lớn nhỏ tại châu Âu chỉ trong vòng ba năm rưỡi qua. Trong đó, có 14 đội bóng hàng đầu châu lục có sự hiện diện của các nhà đầu tư đến từ nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, một người yêu bóng đá, kể từ năm 2013 đã bắt đầu chú ý đến việc phát triển vị thế của TQ đối với môn thể thao vua. Không những đưa ra các chủ trương xây dựng mô hình phát triển bóng đá từ cấp địa phương trên quy mô toàn quốc, ông còn đặt ra các mục tiêu phấn đấu TQ đăng cai World Cup và kích thích đầu tư cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp trong nước. Với nguồn vốn khổng lồ, cuộc chơi bóng đá của giới siêu giàu TQ nhanh chóng vươn ra khỏi “ao làng” quốc nội và tiến đánh sang châu Âu.

Theo kế hoạch năm năm lần thứ 13 của TQ đưa ra năm 2016, ngành thể thao TQ phải có lượng đầu tư đạt hơn 3.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020 và chiếm 1% tổng sản phẩm quốc nội - GDP (tăng lên từ 0,6% như hiện tại). Đây dẫu sao vẫn chưa là gì so với tỉ lệ tương ứng 2% GDP như ở Mỹ, theo nhận xét của ông Yi Jiandong, nhà phân tích ngành công nghiệp thể thao tại trường phát triển thể thao thuộc ĐH Peking, TQ.

Chứng tỏ bạo chi

Tập đoàn Sunning Groups là gã khổng lồ mở đầu cuộc “tiến công” của giới siêu giàu TQ sang châu Âu. Họ chi ra 307 triệu USD để thâu tóm 69% cổ phần của Inter Milan, trở thành nhà đầu tư TQ đầu tiên nắm quyền sở hữu một CLB thuộc dạng “tốp đầu” của lục địa già. Suning cũng có cổ đông hàng đầu là gã khổng lồ thương mại điện tử TQ Alibaba. Năm 2015, đến lượt Dalian Wanda, tập đoàn lớn nhất TQ, chi ra 52 triệu USD để mua lại 20% cổ phần tại CLB Atlético Madrid. Sau đó là tập đoàn truyền thông China Media Capital, nắm quyền phát sóng giải quốc nội Chinese Super League, “đốt” 400 triệu USD để mua lại 13% cổ phần của Manchester City tại Ngoại hạng Anh. Thậm chí trong năm 2016 đã có những tin đồn Tập đoàn Everbright (TQ) sẵn sàng chồng 1,3 tỉ USD để mua lại Liverpool, theo The Telegraph.

Đã có nhiều ý kiến ngao ngán về sự đầu tư không tới nơi tới chốn của các đại gia TQ. Cụ thể như Aston Villa dù được Tập đoàn Recon của Tony Xia thâu tóm với gần 90 triệu USD vẫn ê chề xuống hạng, hay Birmingham City được nhà đầu tư Hong Kong Carson Yeung mua lại với 105 triệu USD cũng chưa leo nổi lên Ngoại hạng Anh. Còn nhiều đội bóng châu Âu có bóng dáng người TQ đầu tư, như Espanyol tại La Liga, Slavia Praha (Cộng hòa Czech), Sochaux và Nice của Pháp, Granada của Tây Ban Nha, ADO Den Haag của Hà Lan. Tất cả đều là những cái tên rõ ràng không một chút tham vọng.

Thế nhưng mùa hè năm nay với sự bạo chi đến “điên rồ” của AC Milan có vẻ đang báo hiệu một sự thay đổi lớn trong cách làm bóng đá của các “tay chơi” đến từ bờ Đông Thái Bình Dương. Cơn lốc chi tiền của người TQ sẽ không dừng lại ở giải quyết khó khăn tài chính cho các đội bóng châu Âu, mà còn hướng đến danh hiệu và kéo theo đó là lợi nhuận. Tại Anh, Wolverhampton Wanderers với sự chống lưng của Fosun International cũng đã ráo riết cải tổ với bàn tay của “siêu cò” Jorge Mendes. Mùa chuyển nhượng này, CLB “tí hon” đã bất ngờ tung ra 15 triệu bảng mang về từ Porto cầu thủ 20 tuổi Ruben Neves đầy triển vọng mà nhiều ông lớn châu Âu thèm muốn.

Canh bạc rủi ro

Việc ông chủ mới của AC Milan quyết định bạo chi cũng làm dấy lên nhiều nghi ngờ liệu đây có phải là một canh bạc quá nhiều rủi ro của ông chủ TQ Yonghong Li. Đội bóng đỏ-đen liên tiếp thua lỗ nhiều năm qua và hiện đang gánh một khoản nợ gần 220 triệu euro. Sáu năm liên tiếp AC Milan chưa thắng được một danh hiệu lớn nào. Tập đoàn đầu tư Rossoneri Sport Investment Luxembourg của ông sẽ phải trả khoản phí lên đến 11,5% cho Elliott Management vào tháng 10-2018, theo tạp chí Finance Asia. Câu hỏi đặt ra là liệu tỉ phú sinh năm 1969 người TQ với tổng giá trị tài sản khoảng 500 triệu USD, có đủ khả năng xoay xở cân bằng được tài chính của CLB và thậm chí là kiếm lời?

Một tiết lộ của tạp chí The Street cho biết ông chủ người TQ của AC Milan thuyết phục được Tập đoàn Elliott nhờ vào kế hoạch đưa hình ảnh của CLB đến với thị trường châu Á. Dẫu vậy theo đánh giá của The Guardian, ông Yonghong Li sẽ phải rất chật vật để đạt được mục tiêu. Đó cũng có thể là lý do ông quyết định bạo chi mùa hè này để tìm kiếm danh hiệu và đẩy nhanh tốc độ khôi phục hình ảnh của AC Milan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới