Giữ nguyên Hoàn Kiếm và chuyện đối thoại của người đứng đầu

(PLO)- Đối thoại không phải lúc nào cũng giải quyết được ngay mọi việc nhưng nếu không có đối thoại thì những vấn đề quốc kế dân sinh sẽ không có bước khởi đầu trong tiến trình cải cách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, thành phố sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận”. Phát ngôn này của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong cuộc đối thoại với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội ngày 9-8 đã xua tan đi nhiều lo lắng của những người yêu mến thủ đô và danh xưng quận Hoàn Kiếm.

Từ khi Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu vấn đề về tiêu chí sáp nhập quận Hoàn Kiếm trong một cuộc họp của Chính phủ về chủ đề này thì những ý kiến về sáp nhập hay không sáp nhập quận Hoàn Kiếm đã diễn ra khá sôi nổi, đa chiều.

Điều ấy cũng đòi hỏi phải có thêm những lý giải hoặc trả lời tường minh từ những lãnh đạo của Hà Nội dù không hẳn là chủ tịch Hà Nội có ý định về quyết sách sáp nhập quận Hoàn Kiếm.

Câu chuyện này cho thấy việc đối thoại giữa người dân và chính quyền nói chung, người đứng đầu nói riêng là rất cần thiết trong quản trị xã hội. Mà chuyện đối thoại với dân thật ra đã được tiến hành ngay từ buổi sơ khai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lịch sử ghi nhận rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời đồng bào, cử tri về những lo lắng chính đáng của nhân dân với vận mệnh quốc gia. Từ Hiệp định sơ bộ Pháp Việt ngày 6-3-1946 đến những chất vấn của “Quốc hội còn thanh niên” (lời Hồ Chủ tịch) đối với chính quyền hồi cuối năm 1946 và cả chuyện xin lỗi nhân dân vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất sau đó. Lịch sử cũng ghi nhận chuyện Mặt trận Trung ương luôn là nơi để đối thoại, chất vấn các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những vấn đề của xã hội, của Đảng.

Và theo chiều dài lịch sử, đối thoại luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương coi trọng.

Lúc còn là trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng còn khẳng định sẵn sàng có cơ chế đối thoại, ông cho rằng: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý…”.

Cho đến nay, từ người đứng đầu ở Chính phủ cho đến người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp đều đối thoại với nhân dân. Trên cả nước đã diễn ra hàng trăm ngàn cuộc đối thoại.

Ở khía cạnh khác, khi đối thoại, nó còn thể hiện bản lĩnh, năng lực của người đối thoại, đồng thời nắm bắt nhanh, đúng để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn.

Tuy đối thoại không phải lúc nào cũng giải quyết được ngay mọi việc, mọi yêu cầu hay giải tỏa được mọi bức xúc của nhân dân nhưng nếu không có đối thoại thì những vấn đề quốc kế dân sinh sẽ không có bước khởi đầu trong tiến trình cải cách, phát triển để tiến đến thực hiện mục tiêu “dân thụ hưởng” như định hướng Đại hội XIII đã vạch ra.

Và đương nhiên, như GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, gần đây nói tại một hội nghị của Mặt trận Trung ương: “Dân càng biết, càng được bàn bạc thì dân cống hiến càng nhiều, càng tăng cường nhận thức, kiểm tra, giám sát, thụ hưởng càng cao và ngược lại. Khi nhân dân thụ hưởng càng nhiều thì ý thức dân chủ dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát càng cao và dân làm càng có hiệu quả”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm