Sau đây là một số gợi ý nhằm giải quyết phần nào vấn đề này để ngày tết thật sự vui trọn vẹn cho cha mẹ và cả gia đình.
Chúng ta hãy cùng phân tích những yếu tố và điều kiện đơn giản nhưng thuận lợi giúp trẻ ăn ngon miệng trong trường mẫu giáo:
Trẻ được tự xúc ăn một mình
Điều này nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thật sự là yếu tố đầu tiên quyết định thành công. Trẻ luôn có nhu cầu độc lập trong mọi hành động, kể cả việc tự xúc ăn. Trẻ tự xúc ăn sẽ ăn ngon và nhiều hơn được đút. Trẻ có thể tự xúc ăn từ lúc 9 tháng tuổi trở đi. Trong trường mẫu giáo, với quy mô vài chục trẻ một lớp thì cô không thể nào đút cho từng bé mà các bé phải tự xúc ăn.
Ở gia đình thì khác, chỉ có một trẻ nhưng có đến bốn “cô” gồm cha mẹ và ông bà, do đó cơ hội để trẻ được tự ăn rất ít. Vậy điều đầu tiên, phụ huynh cần khuyến khích trẻ tự xúc ăn, giúp trẻ tự xúc ăn bằng cách trang bị muỗng, tô rộng (để tránh đổ thức ăn), chỉ trẻ cách đưa thức ăn vào miệng, đừng quá lo lắng việc trẻ làm đổ thức ăn. Cần khen ngợi khi trẻ tự đưa được thức ăn vào miệng và tự ăn được.
Trẻ có cơ hội được ngồi ăn tại bàn ăn với nhiều người
Đây là yếu tố thứ hai rất quan trọng. Ngồi ăn tại bàn chung với nhiều người sẽ giúp trẻ nhìn thấy và cảm nhận được độ ngon của thức ăn qua thái độ ăn uống ngon lành của các thành viên khác trong bàn. Ngồi ăn tại bàn đến hết thời gian bữa ăn (thông thường khoảng 20-30 phút) cũng là biện pháp giúp bé nhận biết cảm giác đói và điều chỉnh lượng ăn thích hợp. Điều này là hiển nhiên ở trường mẫu giáo khi mà các bé được ngồi ăn chung bàn với nhau.
Ngoài ra, bữa ăn tại trường mẫu giáo cũng không kéo dài vì các cô còn phải dọn dẹp và chuẩn bị cho hoạt động khác. Bữa ăn tại nhà đôi lúc không như vậy. Trẻ thường xuyên được cha mẹ đút ăn một mình, ăn trước khi bữa ăn gia đình diễn ra, bữa ăn kéo dài quá lâu có khi cả giờ hoặc hơn, và trẻ không được ngồi vào bàn ăn mà thường được cho ngồi ở nhiều chỗ khác nhau như ngồi xalông, ngồi dưới đất. Vậy việc kế tiếp phải làm là điều chỉnh giờ ăn của trẻ đúng với giờ ăn và bữa ăn của gia đình. Mua một ghế ăn trẻ em và ráp vào ngồi chung với bàn ăn gia đình. Cho trẻ ăn chung bữa với gia đình. Giữ trẻ ngồi lại ghế ăn cho đến hết thời gian ăn trung bình của cả nhà (20-30 phút) cho dù trẻ ăn nhiều hay ít, ăn xong hay chưa xong.
Ngoài hai yếu tố trên, cha mẹ còn cần lưu ý một số vấn đề khác như: xây dựng ít bữa ăn cho các trẻ biếng ăn. Ít bữa ăn trong ngày sẽ giúp trẻ có khẩu vị tốt hơn. Trong dịp tết, đối với trẻ biếng ăn chỉ cần ăn bốn bữa: 8g, 12g, 15g30 và 19g, trong đó có ba bữa chính, một bữa phụ và trùng vào các bữa ăn của gia đình. Bên cạnh đó, mỗi lần cần lấy rất ít thức ăn (khoảng 1/3 lượng cần thiết) vào chén của trẻ rồi đợi trẻ ăn hết sẽ lấy thêm để đỡ tạo cảm giác ngán khi thấy chén đầy thức ăn. Phụ huynh hạn chế cho trẻ xem tivi khi ăn, giữ thái độ bình thản trung tính không nịnh dỗ cũng không dọa nạt con. Nếu trẻ không ăn được nhiều trong phần thức ăn chính thì có thể bổ sung thức ăn phụ ngay để tròn bữa, ví dụ như bánh flan, sữa chua, sữa, phô mai... nhưng một bữa ăn không nên cho thêm quá hai thức ăn phụ ngoài thức ăn chính.