Góc nhìn pháp lý vụ tranh chấp thương hiệu mắm 'Dì Cẩn'

(PLO)- Trong vụ tranh chấp thương hiệu mắm "Dì Cẩn", TS Nguyễn Thái Cường cho rằng chỉ khi hai dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa thì mới cấu thành hành vi xâm phạm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như PLO đã thông tin, dư luận đang xôn xao với vụ tranh chấp thương hiệu nức tiếng gần 50 năm qua – các loại mắm Dì Cẩn.

Từ “Con trai Dì Cẩn” đến “Con trai Bà Cẩn”

Theo đó, ngày 24-10, bà Trương Thị Thanh Minh, con ruột bà Nguyễn Thị Cẩn (chủ thương hiệu nước mắm Dì Cẩn) cho biết vẫn đang khiếu nại đến các cơ quan chức năng về vụ việc này.

mam-di-can.png
Mắm Dì Cẩn là thương hiệu tại Đà Nẵng nức tiếng gần xa. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo bà Minh, tên gọi “Dì Cẩn” trên các dòng nước mắm của gia đình đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2009.

Tháng 2-2024, bà Cẩn ủy quyền cho bà Minh tố cáo đến Công an tỉnh Quảng Nam việc ông Trương Thành Nam mở cơ sở sản xuất nước mắm tại thị xã Điện Bàn, lấy tên nước mắm Tuyết Hạnh “Con trai Dì Cẩn”, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Ngày 12-4-2024, Thanh tra Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính hộ kinh doanh nước mắm Tuyết Hạnh “Con trai Dì Cẩn” 24 triệu đồng, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm, vật tư vi phạm.

Tuy nhiên sau đó, trên thị trường lại xuất hiện thương hiệu nước mắm “Con trai Bà Cẩn” do chính ông Nam làm chủ và sản xuất, kinh doanh cho đến nay.

Trong khi đó, ông Nam cho rằng về việc bị xử phạt với nhãn hiệu “Con trai Dì Cẩn” ông chỉ nghĩ đơn giản mình là con Dì Cẩn thì lấy tên vậy. Cơ quan chức năng nói không được, đã xử phạt và giờ ông Nam đăng ký thương hiệu mới là “Con trai Bà Cẩn”.

Vậy hành vi này của ông Nam có vi phạm pháp luật về sỡ hữu trí tuệ hay không?

Có gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng?

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Thái Cường (Viện trưởng Viện Luật So Sánh, Trường ĐH Luật TP.HCM), cho biết vấn đề tranh chấp nhãn hiệu nước mắm "Dì Cẩn" ở Đà Nẵng đã làm nổi bật những thách thức của Luật Sở hữu trí tuệ trong bảo vệ nhãn hiệu truyền thống của doanh nghiệp gia đình.

Từ góc độ pháp lý, việc ông Nam sử dụng tên “Con trai Dì Cẩn” và sau đó chuyển đổi thành “Con trai Bà Cẩn” có thể xem như hành vi lợi dụng uy tín nhãn hiệu lâu năm của “Dì Cẩn,” nhưng không mặc nhiên được xác định là hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

Cụ thể, theo Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 và 2022), chỉ khi hai dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa thì mới cấu thành hành vi xâm phạm.

Trong tình huống này, dù “Con trai Bà Cẩn” có thay đổi so với tên cũ, nhưng phải xác định có khả năng tạo liên tưởng đến thương hiệu gốc đã được gia đình bà Cẩn đăng ký từ năm 2009 hay không? - Tức để đánh giá có vi phạm hay không, cần xem xét mức độ tương đồng của nhãn hiệu và nhận thức của công chúng về mối liên kết giữa hai dấu hiệu. Đặc biệt là giữa đôi bên còn có sự mâu thuẫn trong việc xác định quan hệ gia đình và quyền thừa kế.

Tuy nhiên nếu tên gọi này không gây nhầm lẫn về nguồn gốc hoặc không làm công chúng hiểu lầm đây là sản phẩm thuộc về gia đình bà Cẩn thì có thể kết luận rằng đây không phải là hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

Về cách thức xác định, để đánh giá mức độ tương đồng giữa hai dấu hiệu, cơ quan chức năng sẽ xem xét các yếu tố như: hình ảnh và ý nghĩa của các dấu hiệu; sự trùng lặp trong cách phát âm hoặc cách viết; hình thức thiết kế tổng thể của nhãn hiệu và chỉ dẫn thương mại. Ngoài ra, nhận thức của công chúng về mối liên kết có thể được đo lường qua khảo sát người tiêu dùng, để xác định mức độ họ dễ dàng nhầm lẫn hoặc liên tưởng đến thương hiệu gốc. Việc này giúp đánh giá xem liệu sự hiện diện của nhãn hiệu mới có thể gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm hay không.

Để đánh giá mức độ nhận thức của công chúng về mối liên kết giữa hai nhãn hiệu, việc lấy ý kiến từ người tiêu dùng là một phương pháp hiệu quả. Khảo sát công chúng giúp thu thập dữ liệu về mức độ họ dễ dàng nhầm lẫn hoặc liên tưởng đến thương hiệu gốc khi nhìn thấy nhãn hiệu mới. Các câu hỏi thường tập trung vào việc nhận biết nguồn gốc sản phẩm và mức độ họ cảm thấy hai nhãn hiệu có liên quan đến nhau, giúp làm sáng tỏ khả năng gây nhầm lẫn trong thực tế.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp gia đình cần cân nhắc đăng ký bảo vệ nhãn hiệu và các quyền sở hữu trí tuệ một cách minh bạch và chặt chẽ. Việc làm rõ quyền sở hữu ngay từ đầu sẽ giúp ngăn ngừa tranh chấp, đồng thời đảm bảo sự bền vững và uy tín của nhãn hiệu qua các thế hệ.

Cũng theo ông Cường, vụ tranh chấp thương hiệu "Dì Cẩn" tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các quy định về sở hữu trí tuệ tại Mỹ và Anh, nơi luật pháp tập trung vào việc ngăn chặn khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm và ngăn chặn hành vi lợi dụng uy tín thương hiệu.

Tại Mỹ, việc xác định vi phạm dựa trên tiêu chí "khả năng gây nhầm lẫn," nghĩa là nếu tên gọi mới có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm, nó sẽ được coi là xâm phạm. Trường hợp của ông Nam khi đổi tên từ “Con trai Dì Cẩn” thành “Con trai Bà Cẩn” nếu chứng minh được rằng tên mới không gây nhầm lẫn cho khách hàng thì không vi phạm và ngược lại.

Tương tự, luật Anh cũng xem xét khả năng gây nhầm lẫn và hành vi "lợi dụng uy tín" (passing off).

Do đó, nếu ông Nam có thể duy trì sự khác biệt rõ ràng, tránh việc công chúng hiểu nhầm về mối liên hệ với thương hiệu "Dì Cẩn," thì theo quy định tại Việt Nam, cả Mỹ và Anh, hành vi này có thể không bị xem là vi phạm.

Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý

1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

....

(Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm