VKSND Tối cao lưu ý 2 vấn đề khi kiểm sát việc giải quyết vụ án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

(PLO)- Theo VKSND Tối cao, cần xác định đúng từng quan hệ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ cụ thể để áp dụng đúng quy định pháp luật chuyên ngành và phải kiểm sát chặt chẽ về kết luận giám định...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND Tối cao vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ".

Trong đó, VKSND Tối cao lưu ý 2 vấn đề khi kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

- Thứ nhất, về xác định đúng từng quan hệ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ cụ thể để áp dụng đúng quy định pháp luật chuyên ngành.

Theo VKSND Tối cao, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng, lại rất cụ thể, chuyên sâu trong từng lĩnh vực của hoạt động sản xuất, kinh doanh và không ít vụ án có yếu tố nước ngoài.

Pháp luật quốc tế đã có nhiều quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ từ lâu, như Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, Thoả ước Madrid năm 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá...

Bởi vậy, kiểm sát viên, công chức cần lưu ý việc xác định chính xác từng loại quan hệ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể như: Loại quan hệ tranh chấp về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm phái sinh; tranh chấp về quyền liên quan; tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại ... và xác định có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Điều 464 BLTTDS trong vụ việc tranh chấp hay không.

Trên cơ sở xác định các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, kiểm sát viên, công chức áp dụng các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan như Luật Xuất bản; Luật Khoa học, Công nghệ, Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và các Nghị định, Thông tư, văn bản pháp luật khác hướng dẫn áp dụng.

Các văn bản pháp luật về lĩnh vực này có thể đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, nên phải chú ý thời điểm xảy ra tranh chấp để kiểm sát việc giải quyết của tòa án bảo đảm áp dụng đúng quy định pháp luật chuyên ngành và đúng thời điểm xảy ra tranh chấp.

Bên cạnh hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quá trình kiểm sát cần lưu ý, những đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả như tin tức thời sự thuần túy, thông tin báo chí ngắn hàng ngày... chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo; các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép như: Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin, tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân... Những trường hợp này không được xem là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Thứ hai, về xem xét việc kết luận giám định về sở hữu trí tuệ

Theo VKSND Tối cao, thực tiễn kiểm sát việc giải quyết loại án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, nhiều vụ án phải trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn để có cơ sở giải quyết do đối tượng tranh chấp là quyền sở hữu trí tuệ có tính chất phức tạp, khó xác định. Trong đó, có trường hợp kết luận giám định do tòa án trưng cầu, có trường hợp kết luận giám định do đương sự tự trưng cầu trước khi khởi kiện vụ án, hoặc có trường hợp có cả hai loại kết luận này.

Vì vậy, kiểm sát viên, công chức phải chú ý kiểm sát chặt chẽ việc đánh giá tính hợp pháp, qui trình giám định, tính liên quan, tính đầy đủ của kết luận giám định. Trường hợp tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ chưa được giám định thì phải xem xét việc đã có đủ cơ sở để giải quyết vụ án hay chưa...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm