Gói tín dụng bất động sản: Đừng chỉ giải quyết vấn đề tâm lý

(PLO)- Thị trường bất động sản đang như nắng hạn gặp mưa rào khi một lúc có hai gói tín dụng dự kiến rót vào hỗ trợ. Một là gói 110.000 tỉ đồng được Bộ Xây dựng đề xuất cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vay.

Thị trường bất động sản đang như nắng hạn gặp mưa rào khi một lúc có hai gói tín dụng dự kiến rót vào hỗ trợ. Một là gói 110.000 tỉ đồng được Bộ Xây dựng đề xuất cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vay. Hai là gói tín dụng 120.000 tỉ đồng mới được thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin dành cho phân khúc nhà ở xã hội và các dự án nhà ở phân khúc cho nhu cầu ở thực.

Gói tín dụng 110.000 tỉ đồng sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân vay ưu đãi, 50% còn lại sẽ dành cho người mua nhà. Bộ Xây dựng cho biết gói tín dụng này sẽ giống với gói 30.000 tỉ đồng đã từng thực hiện trong giai đoạn 2013-2016, lãi suất ưu đãi khoảng 5%/năm.

Đồng thời, bốn ngân hàng quốc doanh đã thống nhất sẵn sàng vào cuộc với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp phát triển và người mua dự án nhà ở giá rẻ, NƠXH, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay sẽ thấp hơn 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Dòng vốn trên thực sự là rất khả thi, là tín hiệu lạc quan, tạo niềm tin, tâm lý hứng khởi cho thị trường bất động sản trong thời điểm khó khăn này. Các gói tín dụng và hạ lãi suất cho vay sẽ kịp thời giảm áp lực, căng thẳng cho doanh nghiệp, giảm áp lực vay mua nhà cho người dân, từ đó thị trường có xu hướng tích cực hơn.

Đặc biệt, các gói tín dụng cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương vào cuộc cùng đồng hành với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn thị trường, tác động tích cực hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Đặc biệt, các gói tín dụng dành cho phát triển NƠXH, nhà ở công nhân có thể nói mang tính thiết thực, nhân văn, thúc đẩy hoạt động của thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, bền vững.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các cơ quan có thẩm quyền đừng để các gói tín dụng hỗ trợ chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm lý, đi lại “vết xe đổ” như một số gói tín dụng trước đó. Mục tiêu đúng và trúng nhưng lại khó tiếp cận hoặc vốn chưa tới thì doanh nghiệp đã đóng cửa, thị trường đóng băng.

Thực tế cho thấy chủ trương của Chính phủ khi tung ra các gói hỗ trợ cho bất động sản từ trước đến nay là rất đúng và trúng thời điểm, tuy nhiên quá trình triển khai để đối tượng hưởng thụ tiếp cận được thì còn khó khăn.

Ngoài ra, gói tín dụng ưu tiên cho NƠXH, nhà ở công nhân phù hợp với người dân có nhu cầu an cư nhưng cần đi đôi với bài toán phát triển NƠXH từ quy hoạch quỹ đất của từng địa phương, tạo ra kết nối hạ tầng, tiện ích để đảm bảo không gian sống chất lượng cho người dân.

Mặt khác, gói tín dụng cần giải ngân đúng đối tượng và có giải pháp để người dân có thể tiếp cận được. Theo đó, các thông tin về mua bán, cho thuê NƠXH, nhà ở công nhân, điều kiện, đối tượng được vay phải được cập nhật một cách minh bạch, rõ ràng. Nếu để trục lợi chính sách sẽ làm giảm đi hiệu quả cũng như mục tiêu nhân văn của các gói tín dụng.

Bên cạnh đó, khi triển khai gói tín dụng thì chúng ta phải đưa ra đồng thời với các cơ chế đột phá, nếu không ngân hàng sẽ không dám triển khai, doanh nghiệp tiếp tục... chờ “dài cổ”.

Để bơm tiền cho doanh nghiệp nhanh và hiệu quả nhất, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từng góp ý cần cải tổ lại Quỹ bảo lãnh tín dụng, nâng quy mô trở thành Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, lấy ngân sách từ Nhà nước chứ không phải từ ngân sách địa phương.

Với vốn điều lệ lớn, Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia này mới có thể bảo lãnh quy mô lớn, qua đó giúp các doanh nghiệp vay ngân hàng dễ dàng hơn. Nên chăng áp dụng cách này để có thể bơm tiền cho doanh nghiệp nhanh và hiệu quả nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới