GrabTaxi: "Sao Vinasun kiện mỗi mình tôi?"

Ngày 6-2, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (Vinasun Corp.) với bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi).

Vinasun: GrabTaxi “cạnh tranh không lành mạnh”

Vinasun khởi kiện cách đây hơn một năm, cho rằng GrabTaxi đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá… gây thiệt hại cho Vinasun. Vinasun cũng cung cấp khoảng 20 video cho tòa nhằm chứng minh GrabTaxi vi phạm các quy định, trong đó có việc khuyến mãi không quá 90 ngày/năm.

Trong đơn khởi kiện, Vinasun cho rằng GrabTaxi là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động, GrabTaxi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Từ khi GrabTaxi hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24 của Bộ GTVT (về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng), GrabTaxi đã thực hiện nhiều hành vi kinh doanh trái pháp luật. Cụ thể, xét về mặt bản chất, đây là loại hình kinh doanh vận tải taxi nhưng GrabTaxi cố tình vi phạm pháp luật, làm náo loạn thị trường vận tải taxi. Bằng chứng là đến hết quý II-2017, hơn 8.000 người lao động của Vinasun phải nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi.

Vinasun dẫn chứng thêm: “Báo cáo dự án nghiên cứu những thiệt hại của Vinasun từ chương trình khuyến mãi của Uber Việt Nam và GrabTaxi” do Công ty Nghiên cứu thị trường - Quảng cáo NBQ thực hiện xác định tỉ lệ thiệt hại mà GrabTaxi gây ra cho Vinasun từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017 là 52,52%. Thiệt hại này tương ứng số tiền là 39,9 tỉ đồng.

Còn dựa trên văn bản của Sở GTVT TP.HCM, tính đến tháng 6-2017, số xe đăng ký chạy Grab Taxi là 12.913 xe thì tổng số thiệt hại GrabTaxi gây ra cho Vinasun đến hết quý II-2017 là 41,2 tỉ đồng. Từ đó Vinasun khởi kiện yêu cầu bồi thường 41,2 tỉ đồng vì Grab Taxi có hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả gây thiệt hại cho Vinasun.

Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: H.YẾN

GrabTaxi: “Sao chỉ kiện mình tôi?”

Tại phiên tòa hôm qua, ban đầu HĐXX hỏi đại diện hai bên nguyên-bị là có muốn hòa giải hay không thì HĐXX sẽ tạo điều kiện. Đáp lời, phía nguyên đơn yêu cầu tòa tiếp tục xét xử, còn bị đơn yêu cầu tòa đình chỉ vụ kiện. Đại diện GrabTaxi cho rằng phía nguyên đơn không đưa ra được lý do chính đáng để kiện họ.

Theo quy định tố tụng mới áp dụng, các bên sẽ tham gia xét hỏi làm sáng tỏ vấn đề trước HĐXX. Đại diện Vinasun giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và ủy quyền cho luật sư của Vinasun trình bày thêm. Phía Vinasun sau đó yêu cầu GrabTaxi bồi thường một lần số tiền 41,2 tỉ đồng.

Trả lời tại tòa, phía bị đơn trình bày rằng GrabTaxi được thành lập năm 2012 tại Malaysia, sau đó phát triển tại Việt Nam. Đại diện Grab Taxi cũng thông tin rằng ngành nghề đăng ký là kinh doanh phần mềm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT. Và GrabTaxi cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải là đúng pháp luật.

“Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, GrabTaxi đưa ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho hành khách đi lại dễ dàng, tạo sự cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống, những hãng này phải đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển doanh nghiệp, trong đó có Vinasun” - phía bị đơn trình bày.

Luật sư của GrabTaxi nhấn mạnh phía nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ chứng minh GrabTaxi vi phạm. Đối với đề án thí điểm, nếu Vinasun cho rằng vi phạm thì cần khiếu nại lên Bộ GTVT. Ngoài ra, cách tính toán thiệt hại của Vinasun là không có cơ sở, đồng thời không có quan hệ nhân quả giữa vi phạm của GrabTaxi (nếu có) với thiệt hại của Vinasun. Vì vậy, Vinasun không có đủ điều kiện để khởi kiện GrabTaxi. HĐXX cần đình chỉ giải quyết vụ án hoặc bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Ngoài ra, đại diện GrabTaxi còn “phân bì” khi cho rằng tại Việt Nam, ngoài GrabTaxi thì còn có thêm chín đơn vị khác cùng tham gia thí điểm hình thức kinh doanh này nhưng Vinasun lại chỉ kiện mỗi GrabTaxi. “Vinasun muốn kiện thì hãy kiện Bộ GTVT chứ GrabTaxi không phải là cá biệt… Vấn đề thuộc quản lý nhà nước nhưng Vinasun lại đưa ra tòa, vì vậy kiến nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện này của Vinasun” - đại diện GrabTaxi nêu quan điểm.

Tại phiên tòa, đại diện GrabTaxi cũng không trả lời nhiều câu hỏi của đại diện nguyên đơn. Chủ tọa nhắc đại diện GrabTaxi trả lời những câu hỏi của nguyên đơn vì nếu đại diện GrabTaxi không trả lời rõ ràng cho luật sư thì HĐXX cũng sẽ hỏi. Cụ thể, GrabTaxi không trả lời những câu hỏi về việc khách trả tiền cho tài xế hay trả cho GrabTaxi vì cho rằng đây là bí mật kinh doanh.

HĐXX tạm dừng làm việc sau phần hỏi giữa hai bên nguyên, bị đơn. Chiều nay (7-2) phiên tòa sẽ tiếp tục.

Bộ Tài chính: GrabTaxi liên tục lỗ trong ba năm

Theo Bộ Tài chính, trong vòng ba năm từ 2014 đến 2016, GrabTaxi lỗ 938,2 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu là do chi phí tiếp thị, quảng cáo của GrabTaxi trong ba năm này chiếm tỉ trọng lớn. Về giá dịch vụ, theo đánh giá của người sử dụng là rẻ hơn các hãng taxi truyền thống.

Nguồn tiền cung cấp cho hoạt động của GrabTaxi từ công ty mẹ tại Malaysia. Hiện nay trên sổ sách kế toán của công ty đang thể hiện khoản vay 50 triệu USD từ công ty mẹ và không phải trả lãi vay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm