Cùng tham gia có Tiến sĩ Nguyễn Văn Lượng- Giám đốc Trung tâm Toán Titan TP.HCM, Thạc sĩ Trầm Nam Dũng, Phó TBT Tạp chí Pi, Hội Toán học Việt Nam. Trong số các học sinh tham dự buổi nói chuyện có em Hoàng Hữu Quốc Huy (trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Vũng Tàu)- học sinh vừa đạt HCV Olympic Toán Quốc tế 2017.
HS Hoàng Hữu Quốc Huy- HCV Olympic Toán Quốc tế 2017 tặng hoa và trò chuyện với GS Ngô Bảo Châu: Ảnh-TK
Tại buổi nói chuyện, rất nhiều câu hỏi được học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo đặt ra cho GS Ngô Bảo Châu và Ths Trần Nam Dũng với mong muốn GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về con đường đến với Toán học và thành công, khơi gợi niềm đam mê Toán học, chọn lựa Toán học ứng dụng, kỹ năng học toán, ứng dụng vào thực tế và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống như thế nào… Nhiều bạn cũng đã đặt ra các câu hỏi rất đời thường cho GS Ngô Bảo Châu như: Giáo sư từng học yếu nhất môn gì; Trong quá trình GS nghiên cứu, dành thời gian cho Toán học đã nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, vợ GS như thế nào; các con của GS có theo Toán học hay không; các HS có thể tham gia vào các dự án về Toán học của GS hay không…
Một du học sinh Mỹ hiện đang công tác trong ngành giáo dục tại Bà Rịa- Vũng Tàu cũng thẳng thắn bày tỏ, so sánh: Giáo dục cấp 3 tại Mỹ và Việt Nam chất lượng không thua kém nhau. Các HS Việt Nam và Châu Á thậm chí đang ngày càng vươn lên, giỏi về các môn tự nhiên và tiếng Anh, trội hơn các HS Mỹ. Tuy nhiên ở Mỹ các HS giỏi trội hơn do được đầu tư cơ sở vật chất tốt, các kỹ năng thuyết trình, viết bài luận… rất tốt. Du học sinh này kết luận các bộ môn về KHXH như văn học, lịch sử là rất quan trọng trong trang bị kỹ năng viết, thuyết trình cho HS. Tuy nhiên ở Việt Nam các môn này còn mang tính hình thức, chưa được HS coi trọng. Du học sinh bày tỏ mong muốn được GS Ngô Bảo Châu chia sẻ thêm về điều này.
Ghi nhận những câu hỏi trên, GS Ngô Bảo Châu kể dù có năng khiếu học Toán nhưng trong lần thi đầu tiên vào lớp chuyên Toán, GS Châu đạt thành tích không tốt, thấp hơn chỉ tiêu rất nhiều. GS cũng kém nhất môn Thể dục và dí dỏm chia sẻ: “Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ thể dục có hại cho sức khỏe”. Sau những thất bại đầu tiên, GS đã thay đổi, tự chọn phương pháp học tập, rèn luyện giải toán phù hợp và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê Toán học của mình. GS Châu cũng rất cảm kích, biết ơn khi nhắc về thành công của mình có sự hỗ trợ, sẻ chia rất lớn từ gia đình, đặc biệt là người vợ đã luôn bên cạnh lo toan mọi việc để GS yên tâm vào chuyên môn.
GS Ngô Bảo Châu cũng đánh giá rất cao nền tảng cho sự thành công của một HS trong tương lai chính là các bộ môn khoa học xã hội như văn học, lịch sử…Đây là những môn học rèn luyện cho HS về ngôn ngữ, cách diễn đạt, diễn thuyết trước đám đông và bình luận, phân tích một vấn đề. Theo GS Ngô Bảo Châu việc học giỏi toán là rất tốt nhưng các kỹ năng từ những môn xã hội cũng quan trọng không kém. GS cho hay đã rất khó khăn khi thuyết phục các con theo đuổi niềm đam mê toán học như mình. Con gái của GS Châu cũng đã xin được về Việt Nam sống, học tập một thời gian…
Thạc sĩ Trần Nam Dũng cũng tâm sự về sự khởi đầu đến với Toán học. Ông cho hay hiện nay rất nhiều ngành nghề liên quan tới phân tích, tổng hợp dữ liệu, rất cần những người giỏi Toán… Nếu các bạn học sinh có niềm đam mê với Toán học, trong điều kiện chưa thể tham gia các dự án như GS Ngô Bảo Châu có thể học hỏi, tiếp cận với Toán học thông qua tạp chí Pi. Ông hứa sẽ hỗ trợ 50 tờ/1 tháng về Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để đưa về các trường.
Chiều cùng ngày các HS, SV và thầy cô giáo sẽ tiếp tục có buổi nói chuyện, trao đổi với các khách mời. Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, những chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu rất hữu ích với thế hệ học sinh, sinh viên trẻ trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một cách giúp các em có thêm những kinh nghiệm, bài học quý trong quá trình học tập, rèn luyện phấn đấu cho tương lai.