Hà Anh Tuấn cùng các khách mời Phương Thảo, Ngọc Lễ, Hoàng Dũng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ |
Hai đêm nhạc của Hà Anh Tuấn với chủ đề Những vết thương lành diễn ra vào tối 13 và 14-8 vừa qua để lại nhiều dư âm đẹp trong lòng người hâm mộ.
Ở Sài Gòn, những chương trình âm nhạc chẳng thể nào đếm hết. Nhưng để có một đêm nhạc như Hà Anh Tuấn, một đêm nhạc suốt hơn 3 tiếng đồng hồ liên tục, không chiêu trò… vẫn níu chân hơn 2.000 khán giả ở lại đến hơn 11h đêm không phải là điều dễ dàng.
Khán giả ở lại vì Hà Anh Tuấn, vì Phương Thảo Ngọc Lễ, Hoàng Dũng và vì những vết thương lòng được xoa dịu nhờ âm nhạc của anh…
Quý vị có khoẻ không?
“Quý vị có khoẻ không” sau màn biểu diễn cùng các khách mời Phương Thảo- Ngọc Lễ, Hoàng Dũng, Hà Anh Tuấn đã hỏi thăm khán giả của mình. Anh mở đầu câu chuyện âm nhạc dịu dàng như vậy.
“Hà Anh Tuấn sinh năm 1984, năm nay suýt soát 38 tuổi, đừng tính tuổi ta. Đến một lúc nào đấy, người ta phải tính tuổi bằng tháng. Đến hôm nay, Hà Anh Tuấn mãn nguyện hạnh phúc với con đường âm nhạc của mình. Tuấn không coi đây là buổi biểu diễn, mà là cuộc gặp lại những người quen cũ…”- Hà Anh Tuấn nói.
MC, Diễn viên Thanh Vân Hugo ở lại đến cuối chương trình cùng các khán giả. Ảnh: NGUYỄN TRÀ |
Khán giả ở lại cùng anh dù lúc này đã gần 12h đêm. Ảnh: NGUYỄN TRÀ |
Chẳng có MC dẫn chuyện pha trò như nhiều chương trình âm nhạc khác, Tuấn là ca sĩ kiêm MC của chương trình. Mà nói MC cũng không hẳn, là Tuấn thủ thỉ trò chuyện cùng khán giả, những câu chuyện vu vơ vậy mà dẫn lối vào bài hát rất nhẹ nhàng.
Đại loại như: “Thước đó của hạnh phúc không phải là sự giàu có mà là sự tự do tự tại. Nếu không tin để Tuấn hát cho nghe bài này…”
Nói như chị Tám Sài Gòn (tên gọi thân mật của BTV âm nhạc kì cựu Kim Thanh) cũng là khán giả của chương trình: “Mình nghĩ Hà Anh Tuấn làm liveshow mà không cần hát cũng được. Tuấn chỉ cần nói chuyện, nói gì kệ Tuấn. Miễn là được nghe Tuấn nói thì mình có thể nghe từ 20h30 đến sáng hôm sau…”.
Một điều đặc biệt ở Hà Anh Tuấn không trộn lẫn với bất kì ai đó là sự tương tác, lắng nghe khán giả.
“Đi hát sướng nhất là không phải giới thiệu tên bài hát. Cảm ơn quý vị. Quý vị là những khán giả rất có trách nhiệm với ca sĩ”, “Quý vị thấy vui không?”, “Quý vị có khoẻ không”, “Quý vị muốn về chưa”, “Tuấn ngồi nha, các bạn trên lầu có thấy Tuấn không. Tuấn ngồi nha vì mệt quá thân ta rồi”…
Âm nhạc xoa dịu những vết thương lòng
Vẫn điềm đạm và tinh tế, nhẹ nhàng và hóm hỉnh, âm nhạc của Hà Anh Tuấn và các khách mời đưa khán giả đi qua bao miền cảm xúc: tình yêu nguồn cội, những loay hoay của người trẻ, những cung bậc trong tình yêu, có hạnh phúc, có giận hờn, có đau thương, có tiếc nuối…
Phương Thảo - Ngọc Lễ lần lượt gửi đến khán giả những bản hit một thuở: Xe đạp ơi, Đừng nghe những gì con gái nói... Ảnh: NGUYỄN TRÀ |
Nhưng điều khiến người ta cảm nhận được trong âm nhạc của Hà Anh Tuấn đó là cứ yêu đi khi còn có thể, yêu đắm say và tử tế, đừng để tiếc nuối nợ nhau một lời chào, “giá như chúng ta kịp chào nhau thêm một lần nữa”…
Hà Anh Tuấn lần lượt gửi đến khán giả của mình những ca khúc: “Đến cùng tận”, “Về đi em”, “Một thời con gái”, “Ngỡ như”, “Có nhau trọn đời”, “Thành phố sương”, “Giấc mơ”, “Một mình một sớm ban mai”…
“Những vết thương lành” không chỉ là câu chuyện của Hà Anh Tuấn, của những nghệ sĩ khác mà rất nhiều khán giả thấy tiếng lòng, thấy câu chuyện của chính mình ở đó.
Hà Anh Tuấn nói, đến những năm 30 tuổi trở lên "có những khoảnh khắc ta muốn bỏ quên tất cả”. Những vết thương khiến lòng tổn thương tưởng chừng chẳng thể nào vượt qua nổi, có những ngày tháng mải miết “đi mãi chẳng vượt qua được những vết thương như vậy”…
Hà Anh Tuấn và ê-kíp, dàn nhạc giao hưởng tri ân khán giả. Ảnh: NGUYỄN TRÀ |
Dàn nhạc, ê-kíp đồng nghiệp và Hà Anh Tuấn đã để lại cho khán giả TP.HCM một đêm nhạc không thể nào quên. Ảnh: NGUYỄN TRÀ |
Hà Anh Tuấn xoa dịu những vết thương lòng của khán giả bằng câu chuyện âm nhạc, bằng những tâm sự. Lưng áo anh ướt đẫm mồ hồi sau những đắm say cùng khán giả với “Tóc hát”, “Bóng mây qua thềm”...
Anh nói: “Thôi vì đi chứ nhở, mấy giờ rồi”. Khán giả lắc đầu: “Không”. Đồng hồ đã điểm hơn 11h đêm.
Tuấn ngồi xuống nói, anh có hai thứ nghiện. Một là anh nghiện bánh trung thu, mà phải là bánh trung thu thập cẩm Sài Gòn và hai là anh nghiện nghe khán giả của mình hát. Anh bắt nhịp, cả ngàn người hoà giọng.
“Một lần xa bao lần nhớ Mười Hai đi qua tim vụn vỡ Tháng Giêng đợi chờ tháng Hai ngu ngơ tháng Ba chơ vơ Một lần xa là bao lần nhớ Chừng đơn sơ nhưng sao buồn ngẩn ngơ Bước thật chậm dưới cánh hoa rơi tháng Tư về…” (Tháng mấy anh nhớ em).
Đêm muộn. Những hàng cây đã ngủ say nhưng những hàng ghế của nhà hát Hoà bình đêm ấy vẫn đầy ắp khán giả. Họ muốn ở lại cùng anh.
Niềm hạnh phúc của một người nghệ sĩ, phấn đấu của một đời người nghệ sĩ, là vậy thôi…