Hà Nội tháo 'điểm nghẽn' dự án chậm, tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp

(PLO)- Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại kỳ họp 9 HĐND TP Hà Nội là xem xét, giải quyết điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Ngày 12-9, HĐND TP Hà Nội đã nghe các tờ trình và thảo luận tại tổ về vấn đề đầu tư công của TP.

Dự án chậm, tỉ lệ giải ngân thấp

Về nội dung này, phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay dù thời gian qua Thành ủy, HĐND, UBND TP tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chậm tiến độ, kết quả giải ngân thấp so với kế hoạch.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.

“Do nhiều nguyên nhân, tiến độ triển khai các công trình dự án còn chậm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP còn thấp. Đến ngày 22-8 mới đạt tỉ lệ giải ngân 27,1% so với kế hoạch HĐND TP giao” - ông Tuấn nhấn mạnh và đề nghị các ĐB chỉ rõ các tồn tại, nguyên nhân và đề xuất giải pháp giải quyết các “điểm nghẽn, ách tắc”.

Tình trạng dự án chậm tiến độ, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp cũng được báo cáo của UBND TP Hà Nội chỉ rõ.

Báo cáo cho biết TP có 69 dự án mới vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên với tình hình tiến độ chuẩn bị đầu tư như hiện nay khó đảm bảo khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra.

Tương tự với 39 dự án trọng điểm của TP (trong đó 32 dự án dùng vốn ngân sách, một dự án PPP, sáu dự án vốn xã hội hoá) cũng có tiến độ rất chậm.

Các dự án dùng vốn ODA cũng gặp khó khăn về giải phòng mặt bằng, một số dự án có thời gian điều chỉnh dự án, hiệp định vay kéo dài. Tổng kế hoạch vốn ODA cấp phát, vay lại chiếm kế hoạch vốn lớn trong trung hạn và hằng năm của cấp TP (giai đoạn 2021-2025 chiếm 24,9%, năm 2021 chiếm 30,8%, năm 2022 chiếm 15,7%) nhưng tỉ lệ giải ngân/kế hoạch vốn giao hằng năm thấp (năm 2021 đạt 25,3%; đến ngày 22-8-2022 đạt 17,06%).

Cũng theo UBND TP Hà Nội, hiện nhu cầu vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn, tạo sức ép lớn về nguồn và khó khăn trong cân đối nguồn vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án.

Hiện còn tổng 8.844,1 tỉ đồng chưa được bố trí chi tiết kế hoạch vốn trung hạn ở các ngành, lĩnh vực. Trong khi còn 244 dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư khoảng 202.047 tỉ đồng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư do chưa cân đối được nguồn vốn. Trong số này có 13 dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến là 115.884 tỉ đồng…

Đề nghị chế tài mạnh đơn vị triển khai chậm

Thảo luận tại tổ về giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai các dự án đầu tư công, các đại biểu (ĐB) đều thống nhất bên cạnh việc điều chỉnh, bổ sung, bố trí vốn hợp lý cho các dự án cấp bách, đảm bảo tiến độ, hiệu quả cần chế tài mạnh với đơn vị địa phương triển khai chậm.

Các ĐB HĐND TP Hà Nội thảo luận tại tổ tại kỳ họp 9, HĐND TP Hà Nội khoá XVI.

ĐB Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận uỷ Hà Đông cho rằng trước hết cần tập trung tăng cường kiểm tra, đôn đốc để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.

“Với những địa phương đơn vị để chậm tiến độ các dự án, cần tăng cường kiểm đếm để rõ trách nhiệm, phê bình và dùng chế tài thì mới giải quyết được” - ông Xuân đề nghị.

ĐB Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch Hội nghệ nhân thợ giỏi TP Hà Nội, đề nghị với những dự án đã nghiên cứu kỹ, thiết kế chuẩn rồi, TP cần tập trung cao độ triển khai. Đối với các công trình cấp TP cần lập riêng một ban chỉ đạo để báo cáo, đôn đốc tiến độ theo từng thời điểm.

ĐB Hải cũng cho hay hiện có nhiều công trình đầu tư công tại cấp huyện đang chậm tiến độ, nguyên nhân chậm là đang có nhiều vướng mắc liên quan đến các sở ban ngành.

“Công trình nào liên quan đến sở ngành nào đều cần được TP chỉ đạo sát sao và yêu cầu có chốt về tiến độ, kiểm tra, kiểm soát và đôn đốc. Các công trình thuộc diện cấp bách, dân sinh càng cần đốc thúc tiến độ thường xuyên” - ĐB Hải đề nghị.

Chiều 12-9, với 100% ĐB có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.

Theo đó, HĐND TP quyết nghị thông qua chủ trương đầu tư 19 dự án. Trong đó có một dự án nhóm A để trình Thủ tướng phê duyệt theo thẩm quyền, quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư một dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới