Đây là thông tin do Phó Giám đốc BV Đa khoa khu vực Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định) trao đổi với VnExpress.
Như Pháp luật TP.Hồ Chí Minh đã đưa tin (mời đọc bài Uống rượu ngâm cây rừng, hai người thiệt mạng), trưa ngày 8-12, bà Chấp mời ông Giâng đến làm lễ cúng đầy tháng cho cháu ngoại của bà. Sau đó, cả hai cùng uống ‘rượu phép’ do bà Chấp ngâm từ thân, rễ, lá cây rừng và ngay lập tức cả hai đều bị vã mồ hôi, nôn ói, hôn mê sâu.
30 phút sau khi được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện An Lão, bà Chấp đã tử vong. Còn ông Giâng, do ngộ độc quá nặng được chuyển lên BV đa khoa khu vực Bồng Sơn nhưng cũng không qua khỏi vào sáng 9-12.
Cây lá ngón có độc tố cao trong cả rễ, thân và lá cây. Hình minh họa
Cây lá ngón tên khoa học là Gelsemium elegans, là một loại cây dây leo thân quấn thường xanh, mọc phổ biến ở miền rừng núi Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Đây là một trong bốn cay có độc tố cao nhất thuộc bảng A ở Trung Quốc và Việt Nam. Một số dân tộc thiểu số phía Bắc cho rằng ăn ba lá ngón, đi ba bước chân là chết.
Đặc điểm nhận dạng cây lá ngón: Thân cây có khía, cành non xanh nhạt trơn nhẵn. Cành già màu xám nâu nhạt, lá mọc đối, không lông, hình mũi mác hoặc hình trứng. Đầu lá nhọn, mép nguyên, xanh nhẵn bóng, dài 7-12 cm.
Hoa lá ngón mọc thành xim đầu cành hay kẽ lá. Hoa năm cánh, màu vàng, tràng hoa hình phễu. Lá ngón ra hoa khoảng từ tháng 5 tới tháng 12 hàng năm. Mức độ độc của cây lá ngón được xếp theo thứ tự: Rễ, lá, hoa, quả, thân.
Khi bị ngộ độc lá ngón, triệu chứng thường là khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn. Tiếp đó là mỏi cơ, thân nhiệt và huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, bụng đau dữ dội, khó thở, ngừng hô hấp… Độc tính trong lá ngón khiến người bị ngộ độc chết rất nhanh và rất ít trường hợp được giải độc.
Giải độc lá ngón cấp tốc: Có thể cho nạn nhân uống nước rau má tươi, nước rau muống giã nhỏ.