Trương Văn Vũ (Mỏ Cày, Bến Tre) đến với thiện nguyện từ năm 2009. Vũ lập Câu lạc bộ Nét Bút Xanh giúp đỡ các mảnh đời khó khăn.
Trên mạng xã hội, người thanh niên nhỏ bé này đã có hàng ngàn kết nối truyền lửa yêu thương đến người dùng Facebook ở cả nước. Kinh phí hoạt động chủ yếu từ các thành viên quyên góp, tổ chức bán hoa, làm đồ handmade bán gây quỹ.
Lan truyền ngọn lửa thiện nguyện
Nhiệt huyết đó đã truyền tinh thần thiện nguyện đến nhiều bạn trẻ ở Quảng Bình. Trong đó có cô gái Nguyễn Thị Lan Phương (28 tuổi, Quảng Thọ, Quảng Trạch, Quảng Bình). Cô gái ở miền quê xứ cát này có gần 1.000 bạn bè trên mạng sẵn lòng tham gia bất cứ chiến dịch thiện nguyện nào khi đưa lên trang cá nhân.
Mùa mưa năm 2013, Quảng Bình là tâm điểm của bão tố, lũ lụt khốc liệt. Trong hàng trăm đoàn về với đồng bào nơi đây, chàng trai trẻ Trương Văn Vũ đã về giúp bà con một số nơi như Quảng Sơn (Quảng Trạch), đồng bào Rục (Thượng Hóa, Minh Hóa). Khi tôi lên tiếp cận vùng lũ lụt cô lập người Rục thì tình cờ gặp Vũ. Quan sát suốt chuyến đi, tôi cảm nhận đây là một chàng trai rất khát khao giúp đỡ nhiều người nghèo. Sau chuyến đi đó, Vũ đã vận động được hơn 200 triệu đồng tiền hàng và các nhu yếu phẩm khác để phát cho bà con. Hết chuyến đi này, Vũ trở lại miền Nam, tiếp tục vận động và có nhiều chuyến trở lại với đồng bào miền Trung ở Quảng Nam cũng như các địa phương khác của Quảng Bình.
Trong lúc đó, Lan Phương vừa điều phối các đoàn cứu trợ do Vũ đưa ra để khỏi trùng lặp, lại lo tổ chức các đoàn thiện nguyện khác đi về phía đồng bào A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) và các địa phương khác của huyện Quảng Trạch. Hai con người này đã đưa về cho đồng bào Quảng Bình hàng tỉ đồng tiền mặt và quà cáp phát đến tận tay bà con.
Các chương trình của họ đã khích lệ hàng ngàn thành viên Nét Bút Xanh làm các việc tốt. Tình nguyện viên của họ nay có mặt ở hàng chục địa phương và làm được rất nhiều điều có ích cho những mảnh đời khó khăn. Riêng ở Quảng Bình đã có nhiều cuộc đời khó khăn được họ chìa tay giúp đỡ và nay họ tiếp tục phát triển tình cảm đó để mang yêu thương đến với các mảnh đời khó khăn khác nữa.
Lan Phương trong một lần lên với trẻ em Tây Bắc. Ảnh: MINH QUÊ
Vượt qua bạo bệnh
Nhưng sau hai khuôn mặt luôn nở nụ cười của Vũ và Phương là một định mệnh khắc nghiệt. Cả hai đang bị ung thư vòm họng. Vũ bị khá nặng, còn Phương thì phát hiện thời kỳ đầu. Ba năm trước, khi phát hiện bản thân bị bệnh trong một lần đi khám, Vũ rất sốc khi biết cuộc đời mình chỉ còn quỹ thời gian từ năm đến mười năm theo lời bác sĩ. Nhưng rồi niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác đã giúp Vũ vượt qua tất cả.
Nguyễn Thị Lan Phương tâm sự: “Nhiều khi hai chị em cùng bạn bè thiện nguyện đi đến những vùng sâu, vùng xa để xác minh các trường hợp khó khăn thì cái đau của bạo bệnh phát tác, đau đến khụy người nhưng hai chị em vẫn cố gắng hết sức, không để người đang cần giúp đỡ biết mình bị bệnh hiểm nghèo”. Bởi thế, trong ba lô của họ lúc nào cũng có thuốc chuyên biệt theo đơn bác sĩ, thuốc đó giúp họ đến được nhiều hơn với các địa chỉ cần đến.
Vũ là giảng viên đại học ở ĐH Hùng Vương nhưng từ khi bị bạo bệnh, Vũ phải rời giảng đường để làm văn phòng, vậy nhưng lòng thiện nguyện vẫn luôn cháy trong tâm hồn chàng trai này.
Chạy đua với quỹ thời gian không còn nhiều, năm 2014, Vũ và Phương đã xây dựng kế hoạch dự án “Con đường sáng” nhằm giúp đỡ 400 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước từ sáu đến 18 tuổi. “Thế lúc đó mình hết quỹ thời gian cuộc sống thì sao?” - tôi hỏi. Cả hai không ngần ngại: “Chúng em có những thành viên đầy trách nhiệm tích cực để viết tiếp ước mơ thiện nguyện mà”. Khi những dòng chữ này đến với bạn đọc, hai bạn trẻ mang bạo bệnh đó vẫn rong ruổi bước chân của mình đến các vùng đất mỗi ngày...
MINH QUÊ
Những người truyền cảm hứng Hai bạn trẻ Vũ và Phương tuy bị bệnh hiểm nghèo nhưng có tấm lòng thiện nguyện vô điều kiện đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác không chỉ ở Quảng Bình mà nhiều vùng đất khác cùng hướng về người nghèo, mảnh đời cần giúp đỡ... Hai bạn đã làm được nhiều việc tốt để giúp người khác. Chúng tôi đánh giá cao sự dấn thân của hai bạn trẻ này. Ông CAO QUANG CẢNH, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình _____________________________________ Đi cứu trợ nhiều nơi nhưng Lan Phương vẫn giữ đúng lịch nấu cháo cuối tuần miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở BV Việt Nam-Cu Ba ở Đồng Hới mỗi cuối tuần. Phương và Vũ vẫn thường xuyên xây dựng các dự án như “Xuân về trên phố”, “Quyển tập nghĩa tình”, “Vầng trăng tuổi thơ”… Vũ cũng duy trì “Bát cháo tình thương” mỗi cuối tháng ở BV Ung bướu và BV Nhi đồng 2 ở TP.HCM. Nhiều đêm khuya vắng, Vũ lại đi tặng quà cho các cụ già có hoàn cảnh khó khăn lấy vỉa hè làm nơi tựa ngủ, lấy gầm cầu để qua đêm. Vũ (bên trái ngoài cùng) trong một chuyến cứu trợ đồng bào Rục năm 2013. Ảnh: MINH QUÊ Nhìn niềm vui của các em nhỏ, của một số cụ già được giúp đỡ, hay đồng bào thiên tai vui cười đón nhận phần quà, tôi xác định thiện nguyện là cuộc sống của mình. Bệnh thì ai cũng có thể bị, ai cũng có một lần lìa xa cõi đời nên thời gian còn lại của quãng đời, tôi càng muốn sống cho những người bất hạnh. TRƯƠNG VĂN VŨ |