Những ngày gần đây, người dân hai bên kênh Đò Vọ, phường Tràng Minh, quận Kiến An, Hải Phòng bắt đầu cảm nhận được sự cải thiện về chất lượng nguồn nước, mà dễ thấy nhất là bớt đi mùi tanh hôi từ dưới kênh phả lên. Đó là nhờ trạm xử lý nước thải Tràng Minh và hệ thống phụ trợ bắt đầu hoạt động tương đối đầy đủ.
Trạm xử lý nước thải Tràng Minh được kỳ vọng cải thiện môi trường dòng nước kênh Đò Vọ sát cạnh. |
Lai lịch một dự án môi trường
Kênh Đò Vọ nằm trong hệ thống tiêu thoát nước của toàn quận Kiến An, nhiều năm qua luôn trong tình trạng ô nhiễm. Lý do là, con kênh này nhận toàn bộ nước thải của làng nghề thu gom phế liệu phường Tràng Minh, từ vài hộ hình thành tự phát từ những năm 1980 đến nay là gần 100 hộ, chiếm hơn 80% số hộ trong khu vực. Toàn bộ nước thải của quá trình thu gom, xử lý phế liệu không qua hệ thống xử lý môi trường mà chảy thẳng ra dòng kênh này.
Ngoài ra, Đò Vọ còn phải tải phần lớn nước thải sinh hoạt của các phường khác của quận Kiến An, nên con kênh này càng ô nhiễm, ảnh hưởng kinh khủng đến cuộc sống của người dân.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 6-2014, Chủ tịch UBND Hải Phòng ban hành Quyết định 1354 phê duyệt dự án đầu tư khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường Tràng Minh với tổng vốn 120 tỉ đồng và giao quận Kiến An làm chủ đầu tư.
Dự án gồm nhiều hạng mục, từ hệ thống cống thu gom đến trạm xử lý nước thải, với nhiệm vụ không chỉ xử lý nước thải làng nghề Tràng Minh, mà còn cả nước thải sinh hoạt tại khu vực từ ngã 5 Kiến An đến cầu Nguyệt, thuộc địa bàn ba phường Trần Thành Ngọ, Phù Liễn và Tràng Minh của quận Kiến An.
Hồ sục trong trạm xử lý nước thải Tràng Minh, tháng 6-2023. |
Hi vọng nhạt nhòa theo năm tháng
Công trình thiết thực về môi trường, phục vụ dân sinh này được khởi công cuối tháng 3-2015 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã phát sinh một số hạng mục như nạo vét tuyến cống hộp hiện có nằm giữa 2 tuyến thoát nước xây mới để lưu thông dòng chảy; bổ sung khối lượng xây dựng khác nhằm tăng khả năng thu gom nước thải trong khu vực vào hệ thống xử lý nước thải của nhà máy… Vì vậy UBND quận Kiến An điều chỉnh dự án, dự kiến đến năm 2019 đi vào hoạt động
Thế nhưng việc thiếu vốn và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã khiến tiến độ triển khai dự án không đạt được, kể cả khi đã điều chỉnh. Phải đến tháng 7-2020, trạm xử lý nước thải làng nghề Tràng Minh mới được vận hành thử nghiệm…
Chưa đạt công suất thiết kế
Nhưng ngay cả như vậy, công trình xử lý môi trường rất ý nghĩa dân sinh này cũng chưa thể đưa vào phục vụ người dân Kiến An ngay.
Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề Tràng Minh sau khi được chủ đầu tư là quận Kiến An hoàn thành thì được bàn giao cho đơn vị này. Tiếp đó, Sở phải thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành dự án. Đơn vị trúng thầu là liên danh giữa Công ty CP Công trình công cộng và Xây dựng Hải Phòng với Công ty CP Xây dựng và Thương mại ACC.
Ông Vũ Đức Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công trình công cộng và Xây dựng Hải Phòng, cho biết, đến ngày 21-3 vừa qua, đơn vị mới chính thức tiếp nhận và vận hành hệ thống xử lý nước thải Tràng Minh. Nhưng do thời gian dài không hoạt động, nhiều hạng mục, trang thiết bị công trình bị hư hỏng nên lại phải tiến hành sửa chữa, khắc phục, để rồi đầu tháng 6 này mới chính thức đi vào hoạt động.
Sau 8 năm dự án ì ạch, những ngày này trạm xử lý nước thải Tràng Minh đã hoạt động ổn định với công suất xử lý khoảng 1.300 m3/ngày đêm so với công suất thiết kế 1.500 m3. Qua kiểm định, nước thải được thu gom sau khi xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải QCVN 40:2011.
Vấn đề môi trường ở làng nghề thu gom phế liệu Tràng Minh không chỉ là nước thải... |
Sẽ giải tỏa làng nghề phế liệu Tràng Minh
Ô nhiễm ở phường Tràng Minh không chỉ là nước thải. Không khí khu vực này cũng là một vấn đề lớn do các hộ làng nghề thu gom phế liệu vẫn đốt trộm phần rác không tái chế. Do đó, UBND phường Tràng Minh cho biết, giai đoạn đầu từ 2021-2025, địa phương có chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường, trong đó đang dự kiến sang giai đoạn tiếp theo, 2025-2030, sẽ tiến tới giải tỏa làng nghề tự phát này.