Theo lịch trình, chuyến bay của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP HCM dự kiến khởi hành lúc 4h chiều ngày 20/11. Tuy nhiên, đến sát giờ máy bay cất cánh, loa phóng thanh đọc tên tới 6 lần vẫn chưa thấy một vị khách tới cửa khởi hành. Hai nhân viên của hãng tất tả đi tìm, loanh quanh một hồi thì thấy chị vẫn đang ngồi buôn điện thoại trong quán cafe tại phòng chờ. Chuyến bay vì thế mà bị chậm.
Một chuyến bay khác của Vietnam Airlines đi quốc tế cũng bị chậm ít nhất 15 phút cũng với lý do tương tự. Một hành khách hoàn tất thủ tục check in, gửi hành lý, nhưng mải chào tạm biệt người nhà mà quên mất giờ lên tàu bay. Mãi khi nhân viên hàng không bắc loa gọi nhiều lần mới thấy anh này nháo nhào vào cửa. Nhà chức trách hàng không ghi nhận có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng không bị chậm chuyến và phần nhiều xuất phát từ hãng vận chuyển như máy bay về chậm, do thời tiết xấu, gặp sự cố kỹ thuật... Tuy nhiên, một nguyên nhân khác khiến cho lịch trình bay bị xáo trộn còn xuất phát từ phía hành khách. Không ít chuyến bay bị chậm bởi hành khách đã làm thủ tục check in nhưng mải nói chuyện điện thoại, trao đổi công việc hoặc đi loanh quanh đâu đó ở chỗ chờ mà quên giờ ra máy bay để khởi hành. Số khác do mải "sụt sùi" với người thân cũng quên mất việc phải lên máy bay. Về mặt nguyên tắc khi đã hoàn tất thủ tục check in, máy bay chỉ có thể cất cánh khi gọi đủ các khách hàng lên tàu bay. Vì thế, bất kỳ một hành khách nào lỡ quên giờ lên máy bay vì lý do nào đó cũng có thể khiến chuyến bay bị chậm Một cán bộ cấp cao ở Sân bay Tân Sơn Nhất - TP HCM cho hay không ít trường hợp hành khách mua rượu và uống ở phòng chờ. Khi nhân viên đổ xô đi tìm thì thấy họ bị say rồi ngủ quên trên ghế hoặc trong toilet. "Nhiều năm trong ngành, chúng tôi sợ nhất các trường hợp khách như thế này", ông nói. Ông bổ sung, ngoài ra, khi máy bay chuẩn bị khởi hành thì có hành khách xin được xuống. "Với trường hợp này, chúng tôi cũng phải hoãn bay để cho khách xuống", vị lãnh đạo này nói. Với mỗi hành khách đổi lịch trình, chuyến bay bị hoãn ít nhất một giờ đồng hồ. Nhân viên hàng không phải làm nhiệm vụ soi chiếu, chuyển hành lý của khách xuống. Nhiều trường hợp, chỉ vì một chuyến bay như vậy đã hoãn dây chuyền nhiều chuyến khác. Ông cho biết, ngoài các nguyên nhân kể trên, nhiều chuyến bay bị hoãn còn xuất phát từ các lý do như hành khách vô tư nói chuyện điện thoại, không theo chỉ dẫn của tiếp viên. Rồi có trường hợp hành khách mở cửa thoát hiểm, hút thuốc lá trong toilet, uống rượu rồi hành hung tiếp viên... cũng dẫn đến việc chuyến bay bị hoãn trong nhiều giờ. Vài năm trước, nhiều hành khách đi trên một chuyến bay còn tá hỏa vì phát hiện bọ cạp trên máy bay cũng làm lịch trình bị hoãn. Một vị khách "vui tính" đã mang theo một bọc bọ cạp, khi máy bay chuẩn bị cất cánh, số côn trùng này đã không tuân theo sự chỉ dẫn của chủ nhân mà bò lổm ngổm ra máy bay. Một chuyến khác từ nước ngoài về VN, hành khách vô tình bay chung tới gần một tạ rắn. Nguồn tin từ nhà chức trách hàng không cho biết, những trường hợp như thế này lỗi bắt nguồn từ phía an ninh sân bay khi soi, chiếu hành lý không kỹ dẫn tới những sự cố. Hãng hàng không Indochina Airlines từng bị hoãn chuyến bay trong nhiều giờ vì một hành khách vô tình đánh rơi con chó đá khiến cho máy bay bị lõm một lỗ rất lớn. Với mỗi chuyến bay bị hoãn, hành khách bị ảnh hưởng đến lịch trình, công việc bị xáo trộn. Hãng hàng không cũng chịu không ít tốn kém. Có trường hợp chỉ vì một câu nói đùa "có bom trong hành lý" của khách, nhà bay đã thiệt hại tới vài trăm triệu đồng.
Theo Như Quỳnh (VNE)