Hậu quả khôn lường khi bác sĩ bị mạo danh quảng cáo thuốc

Mới đây, BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM) đã đăng đàn Facebook để cảnh báo phụ huynh về một tài khoản Facebook mạo danh lấy hình ảnh và nội dung tư vấn của mình để quảng cáo cho thuốc trị biếng ăn.

Hậu quả khôn lường

Trong đó, trang Facebook này đã lấy hình ảnh của ông đăng kèm với nội dung trong bài ghim tư vấn của ông về việc trẻ bỏ bú, biếng ăn, đồng thời tự thêm một câu khuyên phụ huynh sử dụng một sản phẩm thực phẩm chức năng để thúc đẩy việc ăn, bú của trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, BS Khanh cho biết nhiều lần tên tuổi của ông còn bị mạo danh để bán các loại thuốc nhi khoa và cả thuốc cho người lớn.

“Việc mạo danh đối với bản thân tôi không vấn đề gì, chỉ sợ nhiều phụ huynh khi thấy hình ảnh của tôi lại nghĩ rằng tôi ủng hộ và đang tuyên truyền cho sản phẩm nên sẽ mua cho con sử dụng trong khi không biết rõ về sản phẩm. Như thế, hậu quả sẽ khôn lường” - BS Khanh nói.

Trước đó, BS Khanh cũng bị một số đối tượng giả mạo trang fanpage “Hỏi bác sĩ nhi đồng” của ông (trang có lượng phụ huynh theo dõi rất lớn). Theo bác sĩ, việc giả mạo có thể là do họ muốn quảng cáo một sản phẩm ngắn hạn nào đó.

“Nhiều loại thuốc được quảng cáo trên mạng không có sự chọn lọc cho nên các bậc cha mẹ nên tìm hiểu thật kỹ và thông minh, đừng nên thấy hình ảnh của người nổi tiếng bên cạnh sản phẩm đã vội tin mua vì chính bản thân họ cũng không thể kiểm soát được hình ảnh của mình” - BS Khanh khuyến cáo.

Trước việc một trang fanpage mạo danh mình để quảng cáo thuốc trị biếng ăn cho trẻ, BS Trương Hữu Khanh chỉ còn biết cách lên Facebook thông báo rằng mình không quảng cáo cho loại thuốc nà

Lo người dân sẽ bị tiền mất tật mang

Cách đây không lâu, BS Nguyễn Xuân Anh, chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, cũng bất ngờ khi hình ảnh cá nhân và tên tuổi của mình bị mạo danh để quảng cáo thuốc chữa hôi miệng. Nội dung trang fanpage nêu lời khuyên của BS Nguyễn Xuân Anh rằng “Căn bệnh hôi miệng không chỉ gây khó khăn trong giao tiếp mà nó còn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm khác, nếu không điều trị dứt điểm có thể sẽ có hậu quả xấu về sau”, nội dung được cho là của BS Xuân Anh chia sẻ. Kèm theo đó là hình ảnh BS Nguyễn Xuân Anh đang trả lời phỏng vấn cho đài truyền hình lớn.

Theo BS Nguyễn Xuân Anh, trang fanpage trên cũng không hề liên hệ với anh. Ngoài ra, hình ảnh anh trả lời phỏng vấn trong một phóng sự mổ tay cho một bé gái từng được phát sóng trên đài truyền hình đã bị cắt ghép, sửa đổi chức danh. BS Nguyễn Xuân Anh còn cho biết đây không phải lần đầu bị mạo danh, trước đó anh từng bị mạo danh quảng cáo thuốc chữa chàm lác.

Bức xúc với trường hợp tương tự, BS Nguyễn Thị Nhã (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BV Bưu điện, Hà Nội) cũng nhiều lần bị sử dụng hình ảnh để quảng cáo thuốc Đông y gia truyền, thậm chí thực phẩm chức năng chữa vô sinh để thu hút khách hàng.

“Tôi rất bức xúc trước tình trạng hình ảnh của mình bị giả mạo, lạm dụng như vậy. Bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của tôi và tập thể Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BV Bưu điện. Tôi chỉ đơn giản là bác sĩ chữa vô sinh chứ đâu có thể chữa đủ loại bệnh khác. Điều tôi lo lắng hơn cả là những người không hiểu biết khi theo hướng dẫn điều trị và dùng thuốc của những người tư vấn mạo danh kia thì có để lại hậu quả nào đáng tiếc hay không, có bị tiền mất tật mang hay không” - BS Nhã chia sẻ.

Dùng hình ảnh người khác khi chưa cho phép: Phạt 30 triệu đồng

Theo luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, tại khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) quy định phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Ngoài ra, nếu những đối tượng quảng cáo có hành vi quảng cáo lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo sai sự thật thì sẽ bị xử phạt 50-70 triệu đồng.

Trong trường hợp này, bác sĩ bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, công an xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, những người bị mạo danh có thể khởi kiện chủ trang fanpage (và nhà sản xuất thuốc nếu nhà sản xuất nhờ trang fanpage quảng cáo giùm) ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án ra quyết định buộc họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có). 

HỮU ĐĂNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới