1. Mình vừa có dịp gặp được một cô giáo có thâm niên 35 năm dạy mầm non. Cô tâm sự nghề này phải rất yêu nghề mới làm được vì phải đi rất sớm và về thật trễ.
Lớp học quá đông, khoảng 40-45 bé, vì thế cô hầu như hướng dẫn các bé tự làm. Phụ huynh nào hiểu còn thông cảm, phụ huynh nào không hiểu họ nói nhiều lời khó nghe. Nhưng cô bảo mình may mắn hơn đồng nghiệp dạy ở trường tư thục, từng bị mất việc vì không mang giày cho học trò. Phụ huynh đó đã gặp cô hiệu trưởng bày tỏ sự giận dữ: “Trong lúc con tôi loay hoay mang giày thì cô trố mắt đứng nhìn”.
2. Lúc mình đi viết bài trại hè có chụp ảnh các bé ngồi ở sân để nghe các thầy cô phụ trách sinh hoạt phổ biến nội quy trại hè. Một phụ huynh vào comment: “Trời ơi, sao cực khổ thế? Sao giống cảnh ở tù thế?”. Ơ, mình thật sự bất ngờ, ngồi dưới bóng cây vào lúc 9 giờ sáng nghe sinh hoạt mà cực khổ ư? Có trí tưởng tượng siêu phàm đến cỡ nào mình cũng không nghĩ cảnh các em ngồi nghe sinh hoạt nội quy giống cảnh ở tù! Đến nay cũng chưa hiểu được luôn!
3. Hồi còn sinh viên mình cũng đi làm thêm bằng việc dạy kèm. Học trò mình là cô bé lớp 4, thông minh, xinh xắn, nhà rất giàu. Em ấy rất dễ thương trừ tính hay quát kể cả cô giúp việc lẫn mẹ mình. Học được ba buổi thì em ấy bảo: “Chị soạn cặp ngày mai cho em đi”. Mình bảo: “Đó là việc của em, em phải tự làm”. Em ấy ngúng nguẩy: “Chị giúp việc vẫn làm hằng ngày giùm em đó thôi”. “Chị đến đây để giúp em học tốt chứ không phải làm giúp việc” - tôi giải thích. Tôi chẳng biết em nói gì với mẹ em nhưng mình bị cho nghỉ dạy. Nhưng mình chẳng buồn vì biết trước sau gì mình cũng nghỉ.
Ngày nay, con ai cũng là con cưng. Nhưng những kiểu cưng như trên mình thấy cha mẹ đang đẩy con vào sự lười biếng, ỷ lại. Không làm được những việc nhỏ cho bản thân thì sau này các em làm được gì cho xã hội? Cha mẹ hãy để con được lớn, đó là quyền của trẻ, cha mẹ đừng tước đi quyền này!