Hiểm họa cho trẻ từ nước ngọt có gas

Trẻ có thể uống nước ngọt có gas, tuy nhiên nên hạn chế bởi uống một lon sẽ vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đấy là chưa kể những thực phẩm có đường khác mà trẻ ăn vào hằng ngày.

Từ nghiện nước ngọt có gas

Chị Nguyễn Thị Lan, một phụ huynh ở quận 1, tâm sự chị có con gái học lớp 7 ở một trường quốc tế. Do trường thường xuyên tổ chức bữa ăn buffet, các cháu được thoải mái ăn uống những món khoái khẩu mà không bị nhắc nhở như khi ở nhà nên “chỉ một học kỳ cháu đã tăng vọt lên gần 14 kg”. Cuối năm học, chị Lan vội vã xin chuyển cháu sang trường khác và lên một lộ trình “ép” giảm cân hai tháng hè.

Chị Lê Tuyết Hồng, có con đang học Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3), than phiền: Vào năm học mới được ba tháng cháu đã 4-5 lần được bạn mời dự sinh nhật. “Sinh nhật tổ chức không Mc Donald’s thì cũng KFC hay Lotte. Hamburger, gà rán thì không nói làm gì nhưng những nơi đó toàn bán nước ngọt có gas, chẳng mấy chốc nữa con mình nghiện” - chị Hồng nói.

Cô Thu Hằng - giáo viên một trường tiểu học ở quận 3 cũng cho biết hiện rất nhiều học sinh có thói quen uống nước ngọt có gas. Đến mức ban giám hiệu từng đề nghị căn tin không bán loại thức uống này.

Theo ghi nhận, hiện nay hầu như các chuỗi thức ăn nhanh đều chỉ bán một trong hai thương hiệu nước ngọt có gas nổi tiếng mà không có một thức uống giải khát nào khác để khách lựa chọn. Thậm chí các rạp chiếu phim lớn, nơi thu hút rất đông giới trẻ cũng độc quyền bán một loại nước ngọt kèm với bắp rang bơ. Khanh - học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết em và nhóm bạn đều có thẻ thành viên Galaxy. “Rạp chiếu phim bom tấn là tụi em đi xem, lần nào cũng uống nước ngọt với bắp rang vì bảo vệ không cho đưa đồ ăn thức uống từ ngoài vào” - Khanh cho biết.

Hầu hết các tiệm thức ăn nhanh chỉ bán nước ngọt có gas. Ảnh: TL

Đến rối loạn chuyển hóa

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết WHO khuyến cáo mức tiêu thụ đường đôi, đường đơn của mỗi người tốt nhất dưới 5% năng lượng khẩu phần trong một ngày. Chẳng hạn, một học sinh trung học nhu cầu năng lượng là khoảng 2.000 kcal/ngày thì lượng đường tối đa chỉ nên ở ngưỡng 25 g, đấy là tính cả những thức ăn khác có đường như bánh kẹo, sữa, hoa quả chín… Theo tính toán đưa ra bởi WHO, một lon nước ngọt chứa 36 g đường, một lon bò húc chứa 42 g đường, nước tăng lực là 56 g đường.

Theo TS Mai, nước ngọt có gas cung cấp năng lượng nhanh nhưng lại nghèo vi chất dinh dưỡng do chứa nhiều đường. Ngoài ra, nó làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, có thể là nguyên nhân khiến trẻ thiếu canxi dẫn đến còi xương.

Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh dựa vào trường học ở Việt Nam (GSHS) do WHO thực hiện mới đây cho thấy tỉ lệ học sinh 13-17 tuổi uống nước có gas hơn một lần trong ngày là khoảng 31%. Tình trạng béo phì ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, gây các biến chứng thuộc về chuyển hóa, nội tiết gây nguy hại lâu dài cho sức khỏe của trẻ. Hiện đã xuất hiện bệnh đái tháo đường týp 2 ở trẻ em, điều này gây ảnh hưởng tới sức khỏe, khả năng học tập và lao động của các em.

______________________________________

Theo một nghiên cứu của ĐH Oxford (Anh), trong 42 nước được nghiên cứu về việc tiêu thụ xirô bắp fructose cao (HFC), những nước tiêu thụ nhiều có tỉ lệ đái tháo đường là 8% và những nước thấp là 6,7%. Xirô HFC là một sản phẩm công nghiệp được chiết xuất từ thân cây bắp thông qua một quy trình enzym hóa. Điều đó cho phép tăng chai nước ngọt có gas trung bình từ 240 ml lên 600 ml với chi phí vô cùng bé. Một nghiên cứu hồi tháng 10-2015 do viện nghiên cứu của BV nhi Oakland đã phát hiện đường fructose tự do của xirô HFC làm suy yếu ATP trong ruột vốn dùng để duy trì niêm mạc ruột. Liều fructose tự do cao đã tạo ra các lỗ thủng niêm mạc ruột cho phép các vi khuẩn gây độc đường ruột và là nguồn gốc của béo phì, đái tháo đường, ung thư, bệnh tim, bệnh mất trí nhớ và lão hóa nhanh. Hiện nay để hạ giá thành sản xuất, các nhà làm bánh kẹo, nước ngọt có gas, nước tăng lực đều dùng HFC thay cho đường mía.

KHỞI THỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới