(PLO)- Sau một thời gian dài đưa vào khai thác, sử dụng, các hạng mục ở sân vận động Thống Nhất đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng do không được tu bổ, gây khó khăn cho các hoạt động thể thao văn hoá.
Thống Nhất là sân vận động lâu đời nhất Việt Nam, được xây từ năm 1929 và khánh thành vào năm 1931, sân có sức chứa gần 20.000 chỗ ngồi. Sân hiện được sử dụng chủ yếu cho các trận đấu bóng đá, đây cũng là sân nhà của CLB TP.HCM và trẻ TP.HCM thi đấu ở mùa bóng 2024 - 2025. Nơi đây từng tổ chức nhiều giải đấu lớn của quốc gia và khu vực nhưng hiện nay nhiều hạng mục đang xuống cấp do không được tu bổ, gây khó khăn cho các hoạt động thể thao văn hoá.
Vừa qua, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM vừa báo cáo UBND TPHCM về tình hình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp sân vận động Thống Nhất với tổng mức đầu tư hơn 149 tỷ đồng.
Việc cải tạo sân vận động Thống Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu thi đấu, đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao thành tích cao, phục vụ việc tập luyện thể thao cho nhân dân. Đồng thời, dự án hướng tới đảm bảo cảnh quan, môi trường của trung tâm Thành phố, phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần X năm 2026.
Dự kiến, sân vận động Thống Nhất sẽ được cải tạo khu khán đài A, C, D, sân cỏ, đường chạy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và một số hạng mục khác.
Trong quá trình thi công dự án, sân vận động sẽ xây thêm nhà điều hành xử lý nước thải, nhà tập kết rác, bể nước ngầm sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước, cấp thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống đèn khu khán đài, cây xanh, thảm cỏ và hệ thống chống sét.